Biến động theo mùa, trọng lượng và giới tính của độc tố tetrodotoxin trong cua móng ngựa Carcinoscorpius rotundicauda thu từ biển Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

  • Đinh Thị Cúc
  • Đặng Thị Mai
  • Đỗ Thị Cẩm Vân
  • Trần Hữu Quang
  • Trần Đăng Thuần
Từ khóa: Carcinoscorpius rotundicauda, Tetrodotoxin (TTX), LC-MS/MS.

Tóm tắt

Biến động của hàm lượng tetrodotoxin (TTX) trong cua móng ngựa Carcinoscorpius rotundicauda được thu thập từ bờ biển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022 theo mùa, trọng lượng cơ thể và giới tính được xác định bởi phương pháp sắc ký lỏng kết hợp khối phổ (LC-MS/MS). Dữ liệu cho thấy có sự thay đổi đáng kể về hàm lượng TTX theo tháng với độc tính TTX tối đa được xác định là 197,6 ± 134,5 MU/g đối với các mẫu được thu thập vào tháng 5 năm 2021, trong khi C. rotundicauda được thu thập vào tháng 1 năm 2021 chỉ đạt hàm lượng TTX trung bình 7,8 ± 8,4 MU/g. Điều thú vị là sự khác biệt về hàm lượng TTX ở các nhóm C. rotundicauda trọng lượng cơ thể khác nhau cũng có khác biệt về mặt thống kê, với độc tính TTX tối đa là 230,3 ± 116,3 MU/g được xác định cho các mẫu vật có trọng lượng cơ thể lớn hơn 300 g, trong khi mức TTX thấp nhất (9,8 ± 12,3 MU/g) được đo cho nhóm C. rotundicauda có trọng lượng cơ thể dưới 150 g. Hơn nữa, có sự khác biệt đáng kể về hàm lượng TTX giữa các nhóm C. rotundicauda cái và đực, với độc tính TTX cao hơn đáng kể được xác định cho mẫu cua móng ngựa cái (123,9 ± 45,8 MU/g) so với C. rotundicauda đực (68,7 ± 45,8 MU/g). Đặc biệt, hàm lượng TTX trung bình trong các mẫu cua móng ngựa thu ở biển Cần Giờ đạt 96,3 ± 94,2 MU/g là khá cao, cho thấy chúng không an toàn cho con người sử dụng làm nguồn thức ăn. Tuy nhiên, cua móng ngựa từ vùng biển Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam là nguồn tiềm năng để phân lập và tinh sạch tetrodotoxin cho các ứng dụng khác nhau (ví dụ làm thuốc).

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-10-28