Giới thiệu một số phương pháp phân tích hydrocarbon thơm đa vòng trong mẫu thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam

  • Tạp chí Kiểm nghiệm và An toàn thực phẩm
Từ khóa: PAHs, GC/MS, thực phẩm, đồ uống, Việt Nam

Tóm tắt

Hydrocarbon thơm đa vòng (polycyclic aromatic hydrocarbons, PAHs) là nhóm chất ô nhiễm hữu cơ phổ biến trong môi trường và được quan tâm nghiên cứu do chúng có độc tính cao, bao gồm cả khả năng gây ung thư và đột biến gen. Thực phẩm được cho là nguồn phơi nhiễm PAHs quan trọng ở người, vì vậy phân tích PAHs trong thực phẩm là một nhiệm vụ cần thiết của kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Bài báo tổng quan này tập hợp thông tin về phương pháp phân tích PAHs đã được áp dụng trong các nghiên cứu trước đây trên đối tượng mẫu thực phẩm và đồ uống ở Việt Nam, bao gồm các bước tách chiết, làm sạch dịch chiết, phân tích định lượng trên hệ thống sắc ký. Đây là bài báo tổng quan đầu tiên về phương pháp phân tích PAHs trong thực phẩm tại Việt Nam, nêu lên thực trạng về năng lực phân tích nhóm chất này cũng như bàn luận về ưu nhược điểm của các phương pháp đã được áp dụng. PAHs được chiết từ nền mẫu vào các dung môi hữu cơ kém phân cực với các kỹ thuật chiết lỏng-lỏng, lỏng-rắn, chiết siêu âm, chiết lỏng áp suất cao. Các chất cản trở trong dịch chiết mẫu có thể được loại bỏ bằng nhiều kỹ thuật khác nhau: xử lý với acid, kiềm, sắc ký thẩm thấu gel, chiết pha rắn, chiết phân tán pha rắn. PAHs được tách và định lượng trên hệ thống sắc ký khí khối phổ (GC-MS, GC-MS/MS, GC×GC-TOF/MS) và sắc ký lỏng với detector huỳnh quang (HPLC-FLD). Các quy trình phân tích đều được kiểm soát chất lượng bằng các kết quả với mẫu trắng, giới hạn phát hiện/định lượng, chất chuẩn đánh giá độ thu hồi, mẫu lặp lại. Các nghiên cứu tổng thể nhằm đánh giá hàm lượng PAHs trong nhiều loại mẫu thực phẩm cần tiếp tục được thực hiện nhằm xây dựng ngưỡng tiêu thụ an toàn cho nhóm chất ô nhiễm này ở Việt Nam.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-09-30
Chuyên mục
Bài viết