Sự phổ biến của Acesulfame K trong đồ uống không cồn đang được kinh doanh tại Bình Dương năm 2018 và tuân thủ về khai báo Acesulfame K trên nhãn của doanh nghiệp

  • Đạt Nguyễn Văn
  • Hoàng Trần Minh
  • Thanh Tuyền Nguyễn Thị
  • Trúc Nguyễn Thanh
Từ khóa: Acesulfame K, đồ uống không cồn, ghi nhãn, Bình Dương

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Acesulfame-K (ACK) là một trong những chất làm ngọt nhân tạo có hàm lượng calo thấp trong chế độ ăn hiện đại, mặc dù dữ liệu độc tính của nó được báo cáo cho đến nay được coi là không đầy đủ. Việc lạm dụng ACK trong sản xuất thực phẩm được coi là vấn đề ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mục tiêu: Xác định tỷ lệ sử dụng, hàm lượng ACK trong đồ uống không cồn đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương và tỷ lệ tuân thủ về khai báo ACK trên nhãn sản phẩm của doanh nghiệp.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện trên toàn bộ 58 mẫu đồ uống không cồn mang thương hiệu khác nhau từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2018 đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Kết quả: Có 50% các sản phẩm đồ uống có đường đang kinh doanh tại tỉnh Bình Dương có chứa ACK trong sản phẩm. Hàm lượng ACK trung bình là 175,2 ± 113,4 mg/L, cao nhất là 481,7 mg/L, thấp nhất là 11,85 mg/L; hàm lượng ACK trung bình cao nhất trong nhóm sản phầm đồ uống hương liệu (208,2 ± 127,9); thấp nhất trong nhóm nước trái cây (99 ± 92,8). Có 65,5% sản phẩm có sử dụng ACK trong thành phần của sản phẩm nhưng không khai báo trên nhãn cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý được biết, do đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm đồ uống có đường và xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp có sử dụng ACK nhưng không khai báo trên nhãn.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-06-15
Chuyên mục
Bài viết