Giới thiệu về Tạp chí
Tạp chí Y Dược học Phạm Ngọc Thạch thuộc Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch được phép hoạt động báo chí theo giấy phép số 671/GP-BTTTT ngày 18 tháng 10 năm 2021 và được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp mã số ISSN 2815-6366 theo Quyết định số 15/TTKHCN-ISSN ngày 28 tháng 4 năm 2023. Đây là một tạp chí khoa học nhằm mục đích phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và cập nhật thông tin về lĩnh vực y dược cho cán bộ y tế cả nước.
MỤC ĐÍCH, TÔN CHỈ VÀ PHẠM VI CỦA TẠP CHÍ
Tạp chí Y Dược học Phạm Ngọc Thạch là tạp chí có phản biện, truy cập mở, đăng tải kết quả các công trình nghiên cứu khoa học; hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực đào tạo của Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch.
Các dạng bài báo: nghiên cứu (Original Research), báo cáo trường hợp (Case Report), tổng quan (Review), tổng quan hệ thống (meta-analysys)...
Các chuyên ngành/chủ đề của bài viết bao gồm (nhưng không giới hạn):
Tim mạch
Tiêu hóa-Gan mật
Thần kinh lâm sàng
Ung thư
Chấn thương chỉnh hình
Nội tiết-Chuyển hóa
Thận-Tiết niệu
Răng hàm mặt
Hô hấp và bệnh phổi
Nhãn khoa
Sản phụ khoa
Nhi khoa
Miễn dịch học
Huyết học
Tâm lý học lâm sàng & Tâm thần học
Tai mũi họng
Da liễu
Dược lý lâm sàng
KỲ XUẤT BẢN
3 tháng / kỳ tiếng Việt và 6 tháng/ kỳ tiếng Anh
TUYÊN BỐ VỀ ĐẠO ĐỨC XUẤT BẢN
Tạp chí Y Dược học Phạm Ngọc Thạch áp dụng các tiêu chuẩn của Ủy ban Đạo đức Xuất bản (COPE’s guidelines), thúc đẩy tính liêm chính trong các ấn phẩm nghiên cứu được bình duyệt.
Nguyên bản và đạo văn: Tác giả được yêu cầu tuyên bố rằng bản thảo bài báo gửi đăng là công trình nghiên cứu gốc của Tác giả mà chưa được xuất bản trước đó hoặc đang được phản biện ở nơi khác. Nếu một phần của công trình nghiên cứu được tạo ra bởi một tổ chức hoặc nhóm nhà khoa học thì nó phải được đồng ý bằng văn bản cho tất cả các mục đích sử dụng. Việc gửi đăng cùng một công trình nghiên cứu cho nhiều hơn một tạp chí được coi là một hành vi xuất bản phi đạo đức và không được chấp nhận. Tác giả cần trình bày kết quả nghiên cứu một cách rõ ràng, trung thực và không bịa đặt, không làm sai lệch hoặc thao tác dữ liệu không phù hợp. Một bài báo cần chứa đầy đủ chi tiết các nội dung và tài liệu tham khảo để cho phép người khác tái tạo lại công trình nghiên cứu. Những tuyên bố gian lận hoặc cố ý không chính xác là cấu thành hành vi phi đạo đức và không được chấp nhận.
Tạp chí Y Dược học Phạm Ngọc Thạch sử dụng hệ thống phát hiện đạo văn PlagScan (https://www.plagscan.com) để sàng lọc đạo văn cho tất cả các bài bài báo trước khi xuất bản.
Quyền tác giả bài báo, thứ tự tên các Tác giả và Tác giả liên hệ: Tất cả các cá nhân mà thực sự đã đóng góp cho công trình nghiên cứu cần được bao gồm và xác định là Tác giả của bài báo. Nếu công trình được chuẩn bị chung, thứ tự của các Tác giả (từ trái sang phải) phải được thực hiện dựa trên sự đóng góp của họ về phát triển các ý tưởng khoa học và ứng dụng; thực hiện các phân tích, thí nghiệm, đánh giá, nhận xét cho công trình nghiên cứu; viết bản thảo bài báo. Tác giả liên hệ trong bản thảo bài báo sẽ thay mặt các đồng Tác giả chịu trách nhiệm gửi bản thảo, cung cấp thông tin về các Tác giả, trả lời các câu hỏi của Người phản biện, liên hệ với các Biên tập viên,... Tác giả liên hệ cần thông báo cho các Đồng tác giả để đồng ý khi gửi bản thảo bài báo và có chữ ký của họ trong Thỏa thuận chuyển nhượng bản quyền hoặc trong văn bản cho phép.
Công nhận nguồn: Việc công nhận chính xác công việc của người khác phải luôn được đưa ra bằng cách trích dẫn nguồn ở những nơi thích hợp trong bài báo. Tác giả cần trích dẫn các công trình đã xuất bản mà có ảnh hưởng trong việc xác định bản chất của công trình gửi đăng.
Tiết lộ và xung đột lợi ích: Tác giả cần công bố các nguồn tài trợ có liên quan đến bản thảo bài báo của họ. Tác giả được yêu cầu tuyên bố liệu họ có các lợi ích chuyên môn, tài chính hoặc cá nhân từ các bên khác hoặc xung đột lợi ích khác mà có thể được hiểu là ảnh hưởng đến kết quả hoặc giải thích của họ trong bản thảo bài báo.