Chất lượng cuộc sống của người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ sau giáo dục sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình năm 2020

  • Nguyễn Thị Thu Hiền, Lê Thanh Tùng, Tô Minh Tuấn, Nguyễn Cao Cường, Cao Thị Dung
Từ khóa: Chạy thận nhân tạo chu kỳ, chất lượng cuộc sống, người bệnh

Tóm tắt

Mục tiêu: Đánh giá sự thay đổi chất lượng cuộc sống của người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ sau giáo dục sức khoẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình năm 2020. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp giáo dục có so sánh trước sau trên 90 người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 4 năm 2020. Tư vấn trực tiếp, nhóm nhỏ từ 7 - 10 người bệnh, nội dung tư vấn dựa trên hướng dẫn của CDC Hoa Kỳ, hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hướng dẫn của Viện dinh dưỡng Quốc gia. Sử dụng bộ câu hỏi đánh giá chất lượng cuộc sống bệnh thận KDQOL-SFTM phiên bản 1.3 bản tiếng Việt có độ tin cậy với hệ số Cronbach alpha 0,90 trước khi áp dụng cho nghiên cứu này. Kết quả: Với phổ điểm từ 0 - 100 điểm, điểm ở các lĩnh vực đánh giá đều tăng lên so với trước can thiệp; cụ thể điểm trung bình chất lượng cuộc sống SF36 là 42,19 ± 19,75; sau can thiệp 1 tháng, tăng lên 45,70 ± 16,01, sau can thiệp 3 tháng, tăng lên 53,85 ± 16,84. Điểm các vấn đề bệnh thận trước can thiệp là 54,91 ± 21,69 tăng lên 57,94 ± 9,62 sau 1 tháng can thiệp và tăng lên 59,67 ± 10,03 sau 3 tháng can thiệp. Điểm chất lượng cuộc sống chung của người bệnh trước can thiệp là 48,55 ± 16,75, tăng lên 51,82 ± 11,62 sau can thiệp 1 tháng và tăng lên 56,76 ± 12,52 sau can thiệp 3 tháng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Kết luận: Chương trình giáo dục sức khỏe đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-08-31