Thay đổi kiến thức và thái độ cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính đang điều trị tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Yên Bái năm 2020

  • Nguyễn Bích Hằng, Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Đặng Thu Thủy
Từ khóa: Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, kiến thức, thái độ, can thiệp giáo dục sức khỏe

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả thực trạng và đánh giá sự thay đổi kiến thức, thái độ về bệnh, cách chăm sóc và dự phòng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái năm 2020. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp so sánh trước sau có nhóm chứng. 168 bà mẹ (84 ở nhóm chứng, 84 ở nhóm can thiệp) được chọn vào nghiên cứu thông qua phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Chương trình can thiệp giáo dục sức khỏe và bộ công cụ đánh giá kiến thức, thái độ của bà mẹ trước và sau can thiệp do tác giả xây dựng, tham khảo bộ công cụ trong y văn và xin ý kiến chuyên gia điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với đặc điểm địa bàn và đối tượng nghiên cứu. Kết quả: Kiến thức, thái độ của bà mẹ ở cả 2 nhóm về bệnh, chăm sóc và dự phòng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trước can thiệp còn thấp và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm này trước can thiệp (p > 0,05). Sau can thiệp, điểm kiến thức và thái độ của bà mẹ nhóm can thiệp cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm đối chứng (p < 0,05). Đáng chú ý, trong khi nhóm đối chứng không có sự thay đổi về kiến thức, thái độ giữa hai thời điểm đánh giá (p > 0,05), nhóm can thiệp có sự cải thiện rõ rệt điểm số giữa trước và sau can thiệp (p > 0,05). Kết luận: Nghiên cứu cho thấy chương trình can thiệp giáo dục sức khỏe có hiệu quả trong việc thay đổi kiến thức và thái độ cho các bà mẹ về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Chương trình nên được áp dụng rộng rãi hơn trên lâm sàng cũng như các đánh giá sâu hơn để đánh giá chính xác hơn tác dụng và nâng cao chất lượng của chương trình can thiệp. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-08-31