Thay đổi thực hành tự chăm sóc của người bệnh suy tim mạn tại Khoa nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định

  • Phạm Thị Hồng Nhung, Ngô Huy Hoàng
Từ khóa: tự chăm sóc, người bệnh, suy tim mạn

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả thực trạng thực hành tự chăm sóc và đánh giá sự thay đổi thực hành tự chăm sóc của người bệnh suy tim mạn sau can thiệp giáo dục sức khỏe cho người bệnh suy tim mạn tại Khoa Nội tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định năm 2018. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Can thiệp giáo dục một nhóm có so sánh trước sau cho 81 người bệnh suy tim mạn điều trị nội trú tại Khoa nội Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định từ tháng 01 đến tháng 04 năm 2018. Tư vấn trực tiếp, nhóm nhỏ từ 3 - 5 người bệnh, nội dung tư vấn dựa trên Hướng dẫn tự chăm sóc trong suy tim mạn của Hội Tim mạch Hoa kỳ (2014) và Hội Tim mạch Việt Nam (2015). Sử dụng bộ câu hỏi về tự chăm sóc Self - care of heart failure index (SCHFI) bản tiếng Việt đã được dùng trong nghiên cứu của Kiều Thị Thu Hằng tại Viện tim mạch Việt Nam 2011 và kiểm định độ tin cậy với hệ số Cronbach alpha 0,80 trước khi áp dụng cho nghiên cứu này. Kết quả: Với phổ điểm từ 0 - 100 điểm, điểm thực hành chăm sóc của người bệnh suy tim mạn ở cả 3 lĩnh vực (duy trì chăm sóc, quản lý chăm sóc, sự tự tin) đều thấp trước can thiệp và đã tăng lên sau can thiệp 1 tháng với điểm trung bình thực hành trước và sau can thiệp cho mỗi lĩnh vực lần lượt là: Duy trì chăm sóc từ 41,52 ± 20,51 điểm tăng lên 53,90 ± 20,03 điểm; Quản lý chăm sóc từ 35,56 ± 15,21 điểm tăng lên 52,96 ± 15,08 điểm và Sự tự tin từ 50,45 ± 16,11 điểm tăng lên 59,31 ± 14,68 điểm. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Kết luận: Nghiên cứu cho thấy thực trạng thực hành tự chăm sóc của người bệnh suy tim mạn tham gia nghiên cứu trước can thiệp còn hạn chế. Can thiệp giáo dục thực hiện trong nghiên cứu đã cải thiện thực hành tự chăm sóc cho người bệnh suy tim mạn và cần được người điều dưỡng duy trì và thực hiện thường xuyên.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-07-22