Chất lượng cuộc sống của người bệnh suy thận mạn điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới năm 2016
Tóm tắt
Mục tiêu: Mô tả thực trạng chất lượng cuộc sốngvà xác định một số yếu tố liên quan đến chất lượng chất lượng cuộc sống của người bệnh suy thận mạn. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả ngang được thực hiện trên 76 người bệnh đang được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới năm 2016. Sử dụng bộ câu hỏi KDQOL-SF (Kidney disease quality of life - Short Form) phiên bản 1.3 để đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh suy thận mạn và phân tích hệ số tương quan Pearson (r) để xác định một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống. Kết quả: Điểm số chất lượng cuộc sống của người bệnh suy thận mạn đạt 43,6 ± 11,2 trên tổng điểm 100, 59,21% người bệnh có chất lượng cuộc sống ở mức trung bình kém. Điểm số sức khỏe thể chất là 33,9 ± 13,3. Điểm số sức khỏe tinh thần là 53,2 ± 13,2. Điểm số chất lượng cuộc sống SF-36 là 43,6 ± 11,2. Điểm số các vấn đề bệnh thận chủ yếu ở mức cao hơn 50 điểm, trong đó điểm hổ trợ của nhân viên lọc máu và tương tác xã hội ở mức cao, theo thứ tự là 68,0 ± 19,2 và 67,2 ±13,5 điểm. Điểm số chức năng tình dục và gánh nặng của bệnh thận đều thấp hơn 50 điểm, theo thứ tự là 24,4 ± 20,0 điểm và 32,1 ± 14,7. Sức khỏe thể chất liên quan đến độ tuổi. Có sự tương quan thuận, mức độ trung bình giữa điểm số sức khỏe thể chất với điểm số triệu chứng, gánh nặng của bệnh thận, chức năng nhận thức, chất lượng của tương tác xã hội, chức năng tình dục, giấc ngủ. Có sự tương quan thuận giữa điểm số sức khỏe tinh thần với triệu chứng bệnh (r = 0,584; p < 0,001) và với chất lượng của tương tác xã hội (r = 0,531; p < 0,001). Kết luận: Người bệnh suy thận mạn trong nghiên cứu có chất lượng cuộc sống ở mức trung bình kém. Sức khỏe thể chất liên quan đến độ tuổi. Triệu chứng, tương tác xã hội, giấc ngủ và đời sống tình dục của người bệnh thận có ảnh hưởng đếnchất lượng cuộc sống. Điều dưỡng thực hiện kế hoạch chăm sóc, giáo dục sức khỏe nhằm giảm triệu chứng, tăng cường nhận thức, cải thiện giấc ngủ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh suy thận.