Thay đổi kiến thức và thực hành tự chăm sóc bàn chân của người bệnh đái tháo đường type 2 ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang

  • Hồ Phương Thúy, Ngô Huy Hoàng
Từ khóa: Đái tháo đường type 2, biến chứng bàn chân, kiến thức, thực hành, tự chăm sóc bàn chân

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả thực trạng và đánh giá sự thay đổi kiến thức và thực hành tự chăm sóc bàn chân của người bệnh đái tháo đường type 2 trước và sau can thiệp giáo dục sức khỏe. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp giáo dục một nhóm có so sánh trước sau được tiến hành trên 100 người bệnh đái tháo đường type 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang từ tháng 01/2018 đến tháng 03/2018. Kết quả: Điểm trung bình kiến thức tự chăm sóc bàn chân tăng có ý nghĩa thống kê, đạt 17,97± 1,72 điểm trên tổng điểm 20 ở thời điểm ngay sau can thiệp và còn duy trì ở mức khá cao sau can thiệp 1 tháng với 16,48± 2,82 điểm so với 12,57 ± 3,75 điểm trước can thiệp (p < 0,001). Tỷ lệ người bệnh có kiến thức ở mức tốt cũng tăng lên rõ rệt đạt 98% ngay sau can thiệp và còn duy trì ở tỷ lệ 81% sau can thiệp 1 tháng so với 42% ở thời điểm trước can thiệp. Điểm trung bình thực hành tự chăm sóc bàn chân cũng tăng có ý nghĩa thống kê sau 1 tháng với điểm trung bình thực hành đạt 18,11 ± 3,00 điểm trên tổng điểm 21 so với 12,71 ± 3,62 điểm trước can thiệp (p < 0,001). Trong đó, tỷ lệ người bệnh có thực hành ở mức tốt đạt 77% sau can thiệp 1 tháng so với 33% ở thời điểm trước can thiệp. Kết luận: Can thiệp giáo dục đã cải thiện đáng kể kiến thức và thực hành về tự chăm sóc bàn chân của đối tượng tham gia nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của việc tư vấn, giáo dục sức khỏe để người bệnh đái tháo đường type 2 tự chăm sóc bàn chân cần được thực hiện thường xuyên.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-06-18