Nghiên cứu thực nghiệm tinh chế tinh dầu hồi trên tháp chưng luyện chân không gián đoạn

  • Nguyễn Thị Thảo, Đỗ Xuân Trường*
Từ khóa: anethole, chưng luyện gián đoạn, tháp đệm, tinh dầu hồi.

Tóm tắt

Việt Nam là một trong những nước có sản lượng hồi thu hoạch hàng năm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm từ hồi của chúng ta hiện nay chủ yếu ở dạng quả hồi sấy khô và tinh dầu thô có giá trị kinh tế thấp. Thành phần chính của tinh dầu hồi thô là trans-anethole cần được tinh chế để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn. Nghiên cứu này tập trung vào xây dựng hệ thống thực nghiệm để tinh chế tinh dầu hồi bằng tháp chưng luyện gián đoạn loại đệm làm việc ở áp suất chân không. Các sản phẩm thu được trong quá trình tinh chế được phân tích bằng phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS). Kết quả phân tích được dùng để đánh giá khả năng tách các tạp chất dễ bay hơi trong hỗn hợp tinh dầu hồi thô. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiệt độ đáy tháp dưới 150oC tương ứng với áp suất chân không dưới 0,1 bar có thể giảm phân hủy nhiệt của tinh dầu. Các cấu tử dễ bay hơi hơn anethole như α-pinene, β-phellandrene, limonene, linalool được tách triệt để trên đỉnh tháp. Sản phẩm tinh dầu hồi tinh chế thu được tại đáy tháp và đạt hàm lượng anethole trên 88% khối lượng (wt.%). Hiệu suất thu hồi tinh dầu là 98,5 và 88,8% tại áp suất đỉnh tương ứng 0,1 và 0,08 bar. Sản phẩm đáy có thể có thành phần anethole cao hơn nếu tăng chiều cao tháp, tăng chỉ số hồi lưu, giảm áp suất, và tăng lượng tạp lấy ra tại đỉnh tháp. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm là rất hữu ích cho tính toán, thiết kế, chế tạo và vận hành hệ thống tinh chế tinh dầu hồi quy mô công nghiệp.

Tác giả

Nguyễn Thị Thảo, Đỗ Xuân Trường*

Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-11-19
Chuyên mục
KHOA HỌC KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ