Đánh giá khả năng phân loại của vùng gen ITS-rDNA đối với loài Hoàng liên ô rô lá dày (Mahonia bealei (Fortune) Pynaert) của Việt Nam.

  • Nguyễn Thị Phương Trang*, Nguyễn Hùng Mạnh, Bùi Văn Thanh
  • Vũ Thị Huế
Từ khóa: bảo tồn nguồn gen, Hoàng liên ô rô lá dày, ITS, Mahonia bealei.

Tóm tắt

Hoàng liên ô rô lá dày (Mahonia bealei (Fortune) Pynaert) là loài dược liệu quý có nhiều giá trị sử dụng và phạm vi phân bố hẹp, là một trong những vị thuốc được dùng nhiều trong y học cổ truyền. Trong tự nhiên, loài này trước đây khá phong phú nhưng do bị khai thác và buôn bán quá mức nên đã bị suy giảm mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hoàng liên ô rô lá dày được Sách đỏ Việt Nam xếp ở mức nguy cấp (EN). Hiện nay, mã vạch DNA được xem là kỹ thuật phổ biến có tính chính xác cao trong xác định, nhận dạng loài bằng cách giải mã các đoạn DNA đặc trưng cho loài. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã phân tích đặc điểm phân tử vùng gen ITS-rDNA và đánh giá khả năng phân loại của vùng gen này đối với loài Hoàng liên ô rô lá dày của Việt Nam. Kết quả cho thấy, vùng gen ITS dài 700 bp có chứa 24,1% Thymine, 28,4% Guanine, 23,4% Adenine và 24,1% Cytosine, là vùng gen phù hợp, có thể sử dụng như một mã vạch DNA để xác định loài Mahonia bealei và nghiên cứu mối quan hệ di truyền cho các loài thuộc họ Berberidaceae. Sự khác biệt di truyền trung bình giữa chi Mahonia và Berberis dựa trên phân tích trình tự gen ITS là 2,36%, trong khi với các chi khác là 17-22%. Cặp mồi đặc hiệu khuếch đại vùng gen ITS dài 300 bp loài M. bealei cũng đã được phát triển và tổng hợp, góp phần hữu ích cho công tác giám định và bảo tồn loài. Trình tự vùng gen ITS-300 của Hoàng liên ô rô lá dày cũng đã được gửi vào Ngân hàng gen thế giới (Genbank) với mã số truy cập là MT 008067.

Tác giả

Nguyễn Thị Phương Trang*, Nguyễn Hùng Mạnh, Bùi Văn Thanh

Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Vũ Thị Huế

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-02-17
Chuyên mục
KHOA HỌC Y - DƯỢC