TÁC DỤNG ỨC CHẾ VI KHUẨN IN VITRO CỦA CAO KHÔ DỊCH CHIẾT LÁ TRẦU KHÔNG (Piper betle) ĐỐI VỚI VI KHUẨN Aeromonas SPP. VÀ Streptococcus agalactiae GÂY BỆNH XUẤT HUYẾT TRÊN CÁ RÔ PHI

  • Trịnh Thị Trang
  • Nguyễn Thanh Hải

Tóm tắt

     Việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh thủy sản mang lại nhiều kết quả khả quan nhưng lại làm dấy lên lo ngại về việc tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản cũng như làm tăng tính kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Thảo dược đang ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của chúng trong nền công nghiệp dược phẩm như là một giải pháp an toàn sinh học, thay thế cho các thuốc hóa học tổng hợp. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm kiểm tra hiệu suất chiết lá cây trầu không (Piper betle) trong 5 loại dung môi có độ phân cực khác nhau (nước cất, methanol 80%, ethanol 96%, n -hexan và aceton 100%) đồng thời cũng đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn in vitro của các cao khô dịch chiết từ lá cây trầu không đối với 2 loài vi khuẩn Aeromonas spp. và Streptococcus agalactiae gây bệnh xuất huyết trên cá rô phi. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu suất chiết xuất trong 5 loại dung môi biến đổi từ 4,00% (dung môi n-hexan) đến 19,67% (dung môi ethanol 96%). Ở nồng độ 100 mg/ml các cao khô dịch chiết đều có khả năng ức chế vi khuẩn in vitro tốt đối với 2 chủng vi khuẩn. Đối với vi khuẩn Aeromonas spp., đường kính vòng vô khuẩn bình quân giao động từ 15,00mm (dung môi nước) đến 28,00mm (với dung môi là Ethanol 96%). Đối với vi khuẩn Streptococcus agalactiae đường kính vòng vô khuẩn bình quân giao động từ 17,67mm (dung môi nước) đến 31,67mm (với dung môi là ethanol 96%). Nồng độ nhỏ nhất của cao khô dịch chiết lá trầu không sử dụng dung môi ethanol 96% khi bổ sung vào lỗ thạch vẫn quan sát thấy vòng vô khuẩn là 0,39 mg/ml đối với vi khuẩn Aeromonas spp. và 0,78 mg/ml đối với vi khuẩn Streptococcus agalactiae.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-07-27
Chuyên mục
CHĂN NUÔI - THÚ Y - NUÔI TRỒNG THỦY SẢN