ẢNH HƯỞNG CỦA PHƯƠNG PHÁP THỤ TINH ĐẾN NĂNG SUẤT SINH SẢN CỦA GÀ HỒ

  • Bùi Hữu Đoàn
  • Hoàng Anh Tuấn
  • Đào Lệ Hằng
  • Nguyễn Hoàng Thịnh

Tóm tắt

      Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá khả năng sinh sản của gà Hồ được phối giống bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Chất lượng tinh dịch của gà Hồ được đánh giá trên 30 gà trống trưởng thành (30 tuần tuổi, khối lượng cơ thể 4,0 - 5,5kg). Thí nghiệm tiến hành dẫn tinh cho 45 cá thể mái trưởng thành (30 tuần tuổi, khối lượng 3,0 - 3,5kg). Gà thí nghiệm có đặc điểm ngoại hình đặc trưng của phẩm giống. Gà trống được huấn luyện để khai thác tinh dịch bằng phương pháp massage bằng tay. Tinh dịch sau mỗi lần khai thác được kiểm tra chất lượng với các chỉ tiêu màu sắc, độ pH, thể tích, hoạt lực, nồng độ, VAC và tỷ lệ tinh trùng kỳ hình. Gà mái được dẫn tinh nhân tạo bằng phương pháp đưa tinh nguyên trực tiếp vào âm đạo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ gà trống có phản xạ xuất tinh vào các thời điểm: ngay lần đầu, sau 3 ngày, sau 7 ngày huấn luyện và không có phản xạ xuất tinh lần lượt là 73,33%, 6,67%, 3,33% và 16,67%. Màu sắc tinh dịch chủ yếu là màu trắng sữa. Tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần xuất tinh và tỷ lệ tinh trùng kỳ hình lần lượt là 1,59 tỷ/lần xuất tinh và 12,06%. Tỷ lệ trứng có phôi và tỷ lệ gà con loại I với tần suất khai thác tinh và thụ tinh cho gà mái là 3 ngày/1 lần với liều lượng mỗi lần thụ tinh là 0,05 ml/lần là tốt nhất, đạt 92,51% và 78,01% và cao hơn so với phương pháp phối giống trực tiếp, với tỷ lệ lần lượt là 12,67% và 11,02% (p < 0,05).

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-07-27
Chuyên mục
CHĂN NUÔI - THÚ Y - NUÔI TRỒNG THỦY SẢN