15. ĐẶC ĐIỂM THÀNH PHẦN CƠ GIỚI VÀ THÀNH PHẦN KHOÁNG VẬT TRONG ĐẤT TRỒNG TẠI KHU VỰC VÂN NỘI, TIÊN DƯƠNG, HUYỆN ĐÔNG ANH, HÀ NỘI

  • Minh Trần Thị Hồng
  • Vinh Đặng Thị
  • Chi Nguyễn Cẩm
Từ khóa: Đất trồng; Độ hạt; Thành phần khoang vật; Vân Nội; Tiên Dương.

Tóm tắt

Hai xã Vân Nội và Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội là nơi chuyên cung cấp rau, củ, quả cho nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Với mục tiêu nhằm làm sáng tỏ về đặc điểm thành phần cơ giới và thành phần khoáng vật trong đất trồng của khu vực nghiên cứu, nhóm tác giả đã khảo sát thực địa, đào các phẫu diện, lấy các mẫu đất tại khu vực Vân Nội - Tiên Dương, huyện Đông Anh. Các phương pháp phân tích được sử dụng bao gồm: Phân tích thành phần cơ giới đất bằng rây ướt (với kích thước mặt sàng chính 2 mm, 0,05 mm và 0,005 mm); Thành phần khoáng vật được xác định bằng các phương pháp nhiễu xạ Rơnghen (XRD), hiển vi điện tử quét (SEM) đối với bè hạt mịn (<0,005 mm) và kính hiển vi soi nổi đối với bè hạt thô (>0,05 mm). Kết quả phân tích cho thấy đất trồng trong vùng nghiên cứu thuộc loại đất sét pha cát, với thành phần cấp hạt 0,05 - 2 mm trung bình là 55,34 %; Hàm lượng sét có cỡ hạt <0,005 mm trung bình 14,98 %; Bụi cỡ hạt 0,005 - 0,05 mm, trung bình là 28,04 %. Thành phần khoáng vật của đất trồng tại xã Vân Nội bao gồm thạch anh dao động từ 58 - 81 %, kaolinit từ 5 - 11 %, hydromica (illit) dao động từ 4 - 11 %, chlorit và montmorilonit từ 1 - 6 %, goethit dao động từ 2 - 10 %, felspat từ 1 - 6 %. Bên cạnh đó còn có các khoáng vật: hematit, amphibol, boemit, lepidocrocit, talc chiếm hàm lượng nhỏ. Tại xã Tiên Dương, đất trồng có thành phần khoáng vật tương tự như ở Vân Nội, nhưng nhìn chung đất trồng ở Tiên Dương có hàm lượng thạch anh cao hơn. Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần làm cơ sở khoa học cho việc định hướng sử dụng đất chuyển canh rau an toàn tại địa phương.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2024-01-10
Chuyên mục
Bài viết