Chất lượng môi trường nước và tương quan giữa chỉ số ô nhiễm hữu cơ Palmer của thực vật nổi (Phytoplankton) với thông số thủy lý hóa tại sông Hồng, Việt Nam

  • Nguyễn Thị Thu Hà
  • Nguyễn Thành Nam
  • Nguyễn Thùy Liên
  • Bùi Thị Hoa
Từ khóa: Chất lượng nước; Sông Hồng; Chỉ số Palmer.

Tóm tắt

Nghiên cứu này đã tiến hành quan trắc và thu mẫu nước và mẫu thực vật nổi tại 12 vị trí khác nhau trên toàn bộ lưu vực của sông Hồng, đoạn chảy trên địa phân Việt Nam. Thời gian khảo sát được thực hiện vào 2 đợt: đợt 1 từ 15-21/7/2020 và đợt 2 từ 11-16/12/2020 dọc theo lưu vực của sông. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các thông số thủy lý hóa của nước bao gồm: pH, BOD5 đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 08:2023 BTNMT mức A, chỉ số DO ở mùa mưa nằm ở mức B nhưng trong mùa khô DO tại hầu hết các điểm khảo sát đều ở mức C của QCVN 08: 2023/BTNMT. Chỉ số ô nhiễm hữu cơ Palmer của thực vật nổi thay đổi theo mùa: vào mùa mưa dao động từ 4 đến 28, mùa khô dao động từ 0 đến 13. Vào mùa mưa, chỉ số Palmer tăng dần từ 4 đến 8 ở vùng thượng lưu, 10 đến 13 ở vùng trung lưu và 16 đến 28 ở vùng hạ lưu. Vào mùa khô, mức ô nhiễm hữu cơ trung bình xảy ra ở điểm SH4, SH10 với chỉ số Palmer là 10 và SH7 với chỉ số Palmer là 13, các điểm còn lại không bị ô nhiễm hữu cơ do chỉ số Palmer dao động từ 0 đến 9. Chỉ số ô nhiễm hữu cơ Palmer có tương quan có ý nghĩa thống kê ở mức trung bình với các thông số thủy lý hóa được khảo sát bao gồm: pH, nhiệt độ, DO nhưng không tương quan với các chỉ số, độ muối, độ dẫn điện, PO43-, NO3-; trong đó, chỉ số Palmer tương quan thuận với nhiệt độ, nhưng tương quan nghịch với pH và DO. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở dữ liệu ban đầu trong việc đánh giá chất lượng môi trường nước thông qua chỉ số sinh học Palmer của thực vật nổi tại khu vực sông Hồng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2024-04-01