Đánh giá giá trị Nitơ Đioxit (NO2) đối lưu tại Việt Nam giai đoạn 2010–2020

  • Thị Tuyết Nam Nguyễn
  • Phước Tân Trần
  • Hoàng Gia Huy Nguyễn
  • Thị Hoa Nguyễn
Từ khóa: NO2; NO2 đối lưu; Cảm biến vệ tinh; OMI/Aura; Việt Nam.

Tóm tắt

Nitơ đioxit (NO2) đối lưu là tổng lượng phân tử NO2 trên một đơn vị diện tích trong cột khí quyển tính từ bề mặt Trái đất đến tầng đối lưu. Trong nghiên cứu này, giá trị NO2 đối lưu truy xuất từ cảm biến OMI của vệ tinh AURA được thu thập nhằm đánh giá diễn biến theo thời gian và sự phân bố theo không gian địa lý của NO2 đối lưu trên toàn Việt Nam giai đoạn năm 2010-2020. Mối liên hệ giữa NO2 đối lưu và các yếu tố kinh tế - xã hội cũng được đánh giá dựa vào phương pháp phân tích cụm phân cấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy giá trị trung bình của NO2 đối lưu tại Việt Nam dao động nhẹ trong giai đoạn năm 2010-2020. Ngoài ra, giá trị NO2 đối lưu đạt cao nhất vào mùa khô, đặc biệt là tháng 3 và tháng 4, và giảm dần vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 9). Bên cạnh đó, khu vực đồng bằng sông Hồng và Nam Trung Bộ lần lượt có giá trị NO2 đối lưu cao nhất và thấp nhất so với các khu vực còn lại của cả nước. Kết quả phân tích cụm phân cấp cho thấy NO2 đối lưu có mối liên hệ với mật độ dân số, số lượng dân số, và thu nhập bình quân theo đầu người, đặc biệt tại miền Bắc và miền Nam.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-06-26