Sử dụng dữ liệu MODIS đa thời gian đánh giá biến động khô hạn tại Tây Nguyên giai đoạn 2001–2020

  • Trần Văn Thương
  • Cao Thanh Xuân
  • Nguyễn Trọng Hiệu
  • Phan Văn Tuấn
  • Danh Mởn
Từ khóa: SVHI; VHI; VCI; TCI; MODIS; Bình phương tối thiểu.

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm sử dụng chỉ số chuẩn hóa sức khỏe thực vật (Standardized Vegetation Health Index–SVHI) để đánh giá biến động hạn nông nghiệp năm tại khu vực Tây Nguyên. Dữ liệu MODIS đa thời gian giai đoạn 2001–2020 đã được sử dụng để tính toán nhiệt độ bề mặt và chỉ số chuẩn hóa khác biệt thực vật, hai thông số đầu vào của chỉ số khô hạn đã áp dụng. Bên cạnh đó, chỉ số chuẩn hóa lượng mưa (SPI) tại 5 trạm khí tượng cũng được tính toán để đánh giá độ tin cậy của chỉ số SVHI. Đồng thời, tiếp cận hồi quy không gian đã được áp dụng để đánh giá biến động khô hạn năm tại lãnh thổ nghiên cứu theo không gian và thời gian. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hệ số tương quan giữa SVHI và SPI tại 5 trạm quan trắc đều trên mức trung bình tại độ tin cậy 95% (r > 0,5, p < 0,05). Ngoài ra, cấp độ khô hạn cực đoan đã xảy ra tại lãnh thổ nghiên cứu vào năm 2005 và 2016, đồng nhất với năm diễn ra El Niño. Hơn nữa, diễn biến của khô hạn có xu thế tăng tại đất nông nghiệp, trong khi, xu thế giảm được phát hiện tại đất rừng tại tất cả các tỉnh. Kết quả từ nghiên cứu này gớp phần cung cấp tài liệu tham khảo hữu ích cho nhà quản lý trong việc đề xuất các chiến lược giảm thiểu rủi ro hạn hán và bảo vệ rừng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-01-12