Ảnh hưởng của lai giống và bổ sung dinh dưỡng đến sức sản xuất thịt của dê nuôi ở Lào: 1. Thu nhận thức ăn, tăng trọng và các phần của thân thịt

  • Bounmy Phiovankham
  • Nguyễn Xuân Trạch

Tóm tắt

Một thí nghiệm nuôi dưỡng thiết kế theo mô hình nhân tố 2 x 2 được tiến hành trong 5 tháng nhằm xác định ảnh hưởng của việc lai giống và bổ sung dinh dưỡng đến việc cải thiện năng suất thịt của dê nuôi tạo Lào. Trong đó dê địa phương (dê Lạt) được làm đối chứng để so sánh với dê lai F1 (BTxL) là kết quả lai giữa dê đực Bách Thảo (BT) nhập từ Việt Nam với dê cái Lạt. Mỗi loại dê gồm 30 con dê đực 6-7 tháng tuổi được chia đều vào 2 nhóm: một nhóm nuôi theo chế độ truyền thống (chỉ chăn thả tự do vào ban ngày), còn nhóm kia nuôi theo chế độ cải tiến (bổsung lá sắn khô và đá liếm khoáng cho ăn tự do tại chuồng ngoài chăn thả). Dê được theo dõi về lượng thu nhận thức ăn bổ sung, thay đổi về khối lượng và khi kết thúc thí nghiệm được mổ khảo sát để đánh giá thành phần cơ thể, tỷ lệ các phần trong thân thịt và chất lượng thịt. Kết quả (riêng phần trình bày trong bài này) cho thấy dê lai F1 (BTxL) thu nhận nhiều lá sắn bổ sung (P<0,001) và đá liếm (P<0,01) hơn so với dê Lạt do có thể trọng lớn hơn. Dê lai F1 có tốc độ tăng trọng (60,02 g/con/ngày) cao hơn rất rõ rệt (56,09%) so với dê Lạt (38,45 g/con/ngày). Tăng trọng của dê được bổsung thức ăn (55,45 g/con/ngày) cao hơn rất rõ rệt (28,89%) so với những con chỉ được chăn thả tự do (43,02 g/con/ngày). Không có ảnh hưởng rõ rệt (P>0,05) của lai giống và bổ sung thức ăn trong thí nghiệm này đến tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ các phần đùi trước, đùi sau và ngực-sườn trong thân thịt, nhưng dê lai F1 (BTxL) có tỷ lệ phần cổ to hơn (P<0,01) còn phần bụng lại nhỏ hơn (P<0,01) so với dê Lạt. Như vậy, lai dê Lạt với dê Bách Thảo và bổ sung dinh dưỡng (protein và khoáng) có khả năng cải thiện rõ rệt sức sản xuất thịt của dê ở Lào
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-03-20
Chuyên mục
Bài viết