CỘNG ĐỒNG TƯỞNG TƯỢNG, BẢN NGÃ TƯỞNG TƯỢNG VÀ ĐẦU TƯ VÀO VIỆC HỌC NGÔN NGỮ: TỪ GÓC NHÌN CỦA NGHIÊN CỨU TỰ NGÃ

  • Nguyễn Xuân Nghĩa

Tóm tắt

Dưới lăng kính của Hậu cấu trúc luận, việc học ngôn ngữ không còn là hoạt động của một cá nhân riêng lẻ mà là một tập quán xã hội mà ở đó bản ngã luôn ở trạng thái thay đổi và đa chiều của người học tương tác với các mối quan hệ quyền lực không bình đẳng. Tuy nhiên, không phải lúc nào quá trình học ngôn ngữ cũng diễn ra với bản ngã và cộng đồng ở thực tại mà thường là những bản ngã và cộng đồng được hình thành thông qua “trí trưởng tượng” của người học. Bản ngã tưởng tượng này sau đó ảnh hưởng tới đầu tư của người học vào việc học ngôn ngữ và giúp họ đạt được những lợi ích về vật chất hoặc các mối quan hệ xã hội. Đây chính là xuất phát điểm của nghiên cứu này, từ đó tôi áp dụng phương pháp nghiên cứu tự ngã kể lại câu chuyện học ngôn ngữ của chính mình và đi đến hai kết quả như sau. Một là, bản ngã người học ngôn ngữ, giáo viên ngôn ngữ và giáo viên-nhà nghiên cứu ngôn ngữ của tôi được hình thành song song cùng các yếu tố xã hội, đặc biệt là việc mở rộng các mối quan hệ xã hội. Hai là, các bản ngã tưởng tượng này quy định việc đầu tư vào việc học của tôi thông qua một số cách thức. Cụ thể, bản ngã nào gắn liền với địa vị xã hội cao hơn sẽ được ưu tiên đầu tư, và nếu một bản ngã không nhận được đầu tư trong quá trình tương tác xã hội, tôi sẽ chủ động đầu tư để hiện thực hoá bản ngã đó.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-07-15
Chuyên mục
NGHIÊN CỨU