Xử lý hợp chất hữu cơ khó phân hủy trong nước thải thủy sản bằng xúc tác quang TiO2 biến tính

  • Lưu Cẩm Lộc
  • Nguyễn Trí
  • Nguyễn Thị Thùy Vân
  • Hoàng Tiến Cường
  • Hồ Linh Đa
  • Hoàng Chí Phú

Tóm tắt

Bằng các phương pháp cơ học, hóa lý kết hợp sinh học trong hệ thống xử lý nước thải hiện tại của nhà máy chế biến thủy hải sản, phần lớn các chỉ tiêu của nước thải đều đạt chuẩn của nước thải loại B theo QCVN 11-MT:2015/ BTNMT, tuy nhiên xét theo tiêu chuẩn nước thải loại A (COD <75 mg/L) chỉ tiêu COD tại một số thời điểm chưa đạt chuẩn thải (chỉ tiêu COD nước thải nhà máy 20-120 mg/L). Trong bài báo này để xử lý sâu các hợp chất hữu cơ khó phân hủy trong nước thải thủy sản nhằm thu nước thải đạt tiêu chuẩn loại A, có thể tái sử dụng, nước thải sau xử lý sinh học được tiếp tục nghiên cứu xử lý bằng phản ứng quang xúc tác TiO2 biến tính Fe và N. Điều kiện phản ứng quang phân hủy nước thải thủy sản tối ưu đã được xác định: nhiệt độ 25 oC, hàm lượng oxy hòa tan 7,6 mg/L và pH = 7, hàm lượng xúc tác tối là 1,25 g/L. Ở điều kiện tối ưu sau 12 giờ xử lý, hiệu quả suy giảm COD trong mẫu nước thải xử lý bằng xúc tác TiO2 biến tính Fe và N lần lượt là 41,1 và 64,3 %; COD trong nước sau xử lý đạt tương ứng 49,3 và 29,9 mg/L, chất lượng nước thải sau xử lý đạt loại A theo tiêu chuẩn QCVN 11-MT:2015/BTNMT và có thể tái sử dụng theo tiêu chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Bên cạnh đó, mối quan hệ các đặc trưng lý hóa và hoạt tính của các xúc tác trong xử lý nước thải thủy sản cũng đã được làm sáng tỏ.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-11-29
Chuyên mục
BÀI BÁO