Sự gặp gỡ và chuyển giao thế hệ giữa các sĩ phu Nho học với trí thức Tây học trong phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

  • Trần Thuận
  • Huỳnh Trung Kiên

Tóm tắt

Cuối thế kỷ XIX, khi các cuộc khởi nghĩa chống Pháp bị thất bại, tư duy cứu nước ở Việt Nam rơi vào thế bế tắc, thì “tân thư”, “tân văn” từ Trung Quốc, Nhật Bản được du nhập vào nước ta, và chúng được các sĩ phu yêu nước tiếp nhận một cách tích cực. Những nội dung tư tưởng mới mẻ từ “tân thư”, “tân văn” đã tác động tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong tư tưởng của sĩ phu yêu nước Việt Nam. Từ đây, trong tư duy cứu nước, họ đã hướng theo con đường Duy tân của Nhật Bản và theo xu hướng Dân chủ tư sản phương Tây.

Phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX do các sĩ phu tổ chức và lãnh đạo phân thành hai xu hướng: xu hướng bạo động do Phan Bội Châu làm thủ lĩnh và xu hướng cải cách do Phan Châu Trinh lãnh đạo. Tuy nhiên, đã có sự gặp gỡ giữa hai xu hướng trong các hoạt động yêu nước. Đó là thông qua phong trào, các xu hướng cứu nước này đã diễn ra cuộc gặp gỡ, hợp tác giữa sĩ phu Nho học cấp tiến và trí thức Tây học Việt Nam.

Mối liên hệ gắn kết giữa sĩ phu Nho học với trí thức Tây học thể hiện rõ nét thông qua phong trào Đông du, phong trào Duy tân, thông qua hoạt động báo chí sôi nổi và thông qua những hoạt động của Hội Trí Tri... Tất cả họ gặp nhau ở một điểm là giải quyết những yêu cầu lịch sử đặt ra cho dân tộc Việt Nam: Độc lập và Phát triển. 

Sự gặp gỡ đồng thời cũng là sự chuyển giao thế hệ – một hiện tượng lịch sử hết sức đặc biệt – nó phản ánh rõ sự vận động tất yếu của lịch sử, phù hợp với quy luật khách quan, tạo tiền đề cơ bản cho sự phát triển của phong trào dân tộc dân chủ đầu thế kỷ XX để rồi đưa giai cấp vô sản lên vũ đài chính trị để giải quyết thành công yêu cầu lịch sử đặt ra ở Việt Nam.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-07-20
Chuyên mục
BÀI BÁO