XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI ĐÁNH GIÁ BÀI THÍ NGHIỆM ẢO “ĐỊNH LƯỢNG CHLOROPHYLL BẰNG PHƯƠNG PHÁP QUANG PHỔ” TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG

DOI: 10.18173/2354-1075.2023-0015

  • Văn Hồng Cầm
  • Khúc Thị An
  • Nguyễn Tấn Phát
  • Đoàn Vũ Thịnh
Từ khóa: định lượng chlorophyll, quang phổ, thí nghiệm sinh học ảo

Tóm tắt

Nghiên cứu tập trung vào xây dựng, triển khai và đánh giá việc sử dụng bài thí nghiệm sinh học ảo “Định lượng chlorophyll bằng phương pháp quang phổ” so với phương pháp giáo dục truyền thống (thực hiện tại phòng thực hành với đầy đủ các trang thiết bị, vật dụng và quy trình cụ thể). Các mô hình 2D và 3D của thiết bị - vật dụng trong bài học được thiết kế dựa trên các công cụ đồ họa (Blender, Adobe Illustrator). Các chuyển động, thao tác và tình huống của bài thí nghiệm ảo (virtual experiment - VE) được mô phỏng bằng phần mềm Unity. Bài VE dựa trên nền tảng e-learning được triển khai trong sinh viên với 2 nhóm khác nhau: nhóm 1 được trải nghiệm VE trước giờ học thực hành và nhóm 2 thực hiện bài thí nghiệm khi chưa trải nghiệm VE. Kết quả triển khai trong sinh viên cho thấy nhóm 1 có điểm kiểm tra trung bình cao hơn trong việc hiểu khái niệm, định nghĩa, các bước của bài thí nghiệm cũng như các lưu ý sử dụng thiết bị trong phòng thí nghiệm so với nhóm 2 (p < 0,05). Các sinh viên ở nhóm 1 cũng tự tin hơn trong việc thực hiện các kĩ năng về quy trình khoa học cũng như có khả năng tiếp thu kiến thức tại phòng thí nghiệm cao hơn Nhóm 2 (p < 0,05). Các sinh viên ở nhóm 1 đánh giá cao các tiêu chí về lợi ích của VE trong việc ghi nhớ khái niệm, các bước của bài thí nghiệm, giúp nhận ra các lỗi sai thường gặp trong quá trình thí nghiệm (p < 0,05). Tuy vậy, VE vẫn không thể thay thế bài thí nghiệm sinh học “thật” trong việc nâng cao kĩ năng thao tác của người học. Kết quả nghiên cứu cho thấy VE có thể trở thành một công cụ mạnh để phối hợp với phương pháp giáo dục truyền thống trong việc đào tạo sinh viên các kĩ năng phòng thí nghiệm sinh học

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-11-01