HỘI NGHỊ NGHIỆM THU ĐỀ TÀI CẤP BỘ PHỤ NỮ VIỆT NAM KẾT HÔN VỚI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

  • Hà Thị Thúy

Tóm tắt

HỘI NGHỊ NGHIỆM THU ĐỀ TÀI CẤP BỘ

PHỤ NỮ VIỆT NAM KẾT HÔN VỚI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

 

Hà Thị Thúy[*]

 

Ngày 30 tháng 8 năm 2019, Hội đồng khoa học cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Bộ năm 2019: “Phụ nữ Việt Nam chung sống, kết hôn với lao động nước ngoài tại Việt Nam” do Ths Phan Thị Thu Hà và Ths Trương Thúy Hằng - Học viện Phụ nữ Việt Nam đồng chủ nhiệm. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm tìm hiểu, phân tích thực trạng chung sống và kết hôn của phụ nữ Việt Nam với lao động nước ngoài tại Việt Nam, trên cơ sở đó, đề tài đưa ra một số khuyến nghị hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc với lao động nước ngoài.

Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp định tính với cỡ mẫu là 50 trường hợp tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, trong đó bao gồm: 01 tọa đàm cấp tỉnh; 01 thảo luận nhóm người dân; 25 phỏng vấn sâu bao gồm phụ nữ kết hôn với lao động Trung Quốc/Đài Loan, người chồng Trung Quốc/Đài Loan, người dân tại địa phương.

Một số phát hiện chính từ nghiên cứu như sau:

·        Trình độ học vấn của phụ nữ kết hôn với lao động nước ngoài tại Việt Nam có trình độ học vấn tốt hơn so với những phụ nữ di trú kết hôn; Trình độ học vấn của lao động Trung Quốc/Đài Loan khá cao, phần lớn tốt nghiệp đại học. Do đó, họ thường làm công việc mang tính chất trí óc như: kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, cố vấn chuyên môn… và có những người giữ vị trí quản lý như: Giám đốc, trưởng bộ phận.

·        Môi trường quen biết và diễn tiến tình cảm của các cặp đôi chồng người Đài Loan/ Trung Quốc và vợ người Việt Nam diễn ra chủ yếu tại công ty Formosa trong điều kiện làm việc cùng nhau. Động cơ chung sống/kết hôn có ý nghĩa tích cực, hướng đến các phẩm chất đạo đức của đối phương được xác định là thật thà, quan tâm và thương yêu vợ con, lãng mạn, tử tế, lịch sự…

·        Người chồng ngoại quốc có thu nhập tốt, đóng vai trò trụ cột kinh tế. Việc quản lý kinh tế và quyết định các vấn đề chi tiêu trong gia đình là người vợ còn quyết định các vấn đề chi tiêu lớn, công việc lớn của gia đình được hai vợ chồng cùng bàn bạc (xu hướng thiên về người vợ). Tham gia công việc nhà và chăm sóc con cái thì người phụ nữ vẫn là người chịu trách nhiệm chính còn người chồng tham gia phụ giúp vợ.

·        Quá trình tìm hiểu trước hôn nhân, chung sống/kết hôn các cặp vợ chồng này cũng gặp một số khó khăn như: thuyết phục gia đình, họ hàng đồng ý; bất đồng ngôn ngữ; đặc biệt là khó khăn liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn. Để có được giấy đăng ký kết hôn các cặp đôi không chỉ tốn thời gian công sức đi lại nhiều nơi mà còn tốn nhiều tiền bạc.

·        Người dân có nhiều quan niệm khác nhau đối với các cặp vợ chồng Việt - Đài, Việt Trung. Xã hội tồn tại những quan niệm e ngại, lo sợ, thậm chí phân biệt/kỳ thị. Bên cạnh đó, cũng có những quan điểm ủng hộ hoặc coi đó là chuyện bình thường, miễn là họ yêu thương nhau thật lòng. Những người thân trong gia đình cũng ủng hộ nhiều hơn khi thấy chàng rể hiền lành, vui vẻ, tốt bụng, hiếu thảo quan tâm tới bố mẹ vợ, anh em họ hàng.

·        Những chàng rể và gia đình Đài - Việt, Trung - Việt tại địa phương đều được đánh giá khá tích cực. Họ vui vẻ, hòa đồng với địa phương và có những đóng góp kinh tế cho địa phương. Các chàng rể nước ngoài đều nắm rõ và thực hiện tốt các quy định, chính sách của địa phương.

·        Chính quyền địa phương một mặt vẫn có sự cảnh giác nhất định đối với những cặp vợ chồng Đài - Việt, Trung - Việt, nhưng về cơ bản, họ đảm bảo các quyền lợi cơ bản của các cặp vợ chồng này như những công dân Việt Nam. Chính quyền địa phương có chính sách bảo vệ người nước ngoài theo pháp luật, thực hiện chính sách chung như những người lao động, không có chính sách phân biệt đối với phụ nữ và con lai. Địa phương cũng sẽ hỗ trợ pháp lý khi cần.

·        Công ty Formosa có chính sách phúc lợi và sự quan tâm tới những gia đình có chồng hoặc vợ, hoặc cả 2 đang làm việc tại công ty. Thể hiện rõ nhất ở chế độ cấp nhà ở. Không có chính sách riêng cho những cặp Việt - Đài, tuy nhiên, một số điều kiện thuận lợi dành cho các cặp vợ chồng Việt - Đài được lồng ghép trong một số quy định. Nhân viên Đài Loan kết hôn với người Việt sẽ được công ty ưu tiên ổn định công việc lâu dài tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội đồng nghiệm thu Chủ tịch Hội đồng GS. TS. Nguyễn Hữu Minh – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới đã đánh giá đề tài có những đóng góp về mặt thực tiễn và chính sách trong việc hỗ trợ những cặp vợ chồng trong đó người vợ là phụ nữ Việt Nam kết hôn với lao động nước ngoài tại Việt Nam.

 

 

 

 


[*] Viện Nghiên cứu Phụ nữ - Học viện Phụ nữ Việt Nam

Tác giả

Hà Thị Thúy
Viện Nghiên cứu Phụ nữ - Học viện Phụ nữ Việt Nam
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-04-08
Chuyên mục
THÔNG TIN KHOA HỌC