HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO ĐẢM QUYỀN THAM CHÍNH CỦA PHỤ NỮ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

  • Nguyễn Thị Thanh Thủy

Tóm tắt

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA:

“BẢO ĐẢM QUYỀN THAM CHÍNH CỦA PHỤ NỮ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY”

 

Nguyễn Thị Thanh Thủy[*]

 

Hội thảo khoa học “Bảo đảm quyền tham chính của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay” diễn ra vào sáng ngày 05/11/2019 tại Học viện Phụ nữ Việt Nam với sự tham gia của gần 100 đại biểu đại diện cho các Bộ ngành, trường đại học, viện nghiên cứu. Hội thảo do Học viện Phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Viện FES (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học chia sẻ, bàn luận kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến bảo đảm quyền tham chính của phụ nữ theo quan điểm của Đảng, hiện thực hóa nghị quyết số 11/NQ-TW về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Kết quả khoa học của Hội thảo cũng góp phần làm rõ thực trạng, các yếu tố tác động tới việc bảo đảm quyền tham chính của phụ nữ; đồng thời gợi mở những hướng nghiên cứu mới, những giải pháp, khuyến nghị chính sách hiệu quả đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, các ngành liên quan. Kết quả Hội thảo đồng thời là những tư liệu khoa học có giá trị để các tổ chức, cá nhân tham khảo trong quá trình xây dựng, sửa đổi các cơ chế, chính sách và thúc đẩy các hoạt động thực tiễn nhằm nâng cao vai trò, sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị cũng như các hoạt động xã hội.

Với hơn 50 báo cáo khoa học gửi đến Hội thảo, quá trình phản biện độc lập đã lựa chọn được 32 bài có chất lượng, phù hợp với chủ đề Hội thảo để xuất bản Kỷ yếu khoa học. Nội dung các báo cáo khoa học tập trung phân tích, bàn luận các vấn đề chủ yếu: (1) Khung chính sách, luật pháp về bảo đảm quyền tham chính của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, (2) Vị trí, vai trò của phụ nữ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Đoàn thể, (3) Một số vấn đề về phụ nữ và bình đẳng giới trong việc bảo đảm quyền tham chính.

Tại Hội thảo, nhiều lượt ý kiến tham luận của đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, trường đại học, học viện với cách tiếp cận đa chiều ở cả góc độ lý luận và thực tiễn. Bức tranh về quyền tham chính của phụ nữ Việt Nam được hiện ra rõ nét trên nhiều phương diện: Qui định về quyền của phụ nữ trong luật pháp - chính sách; những rào cản khách quan và chủ quan đối với phụ nữ khi tham chính; thực trạng tham chính của phụ nữ Việt Nam; một số giải pháp vĩ mô và vi mô thúc đẩy, bảo đảm quyền tham chính cho phụ nữ.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Trần Quang Tiến, Bí thư đảng ủy, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: Đảm bảo quyền tham chính của phụ nữ phải được chú trọng trong các qui định của luật pháp, chính sách nhằm đảm bảo cơ hội và điều kiện tham chính cho phụ nữ, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi giới. Bên cạnh đó, nhận thức của gia đình, xã hội cũng cần thay đổi để tạo cơ hội cho phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho xã hội, phù hợp với năng lực, thế mạnh của mỗi giới. Tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng như các tổ chức hỗ trợ phụ nữ cần xây dựng và triển khai hoạt động, chương trình cụ thể để giúp đỡ, nâng cao năng lực cho phụ nữ, đảm bảo các điều kiện để phụ nữ tham chính hiệu quả.

Hội thảo là một trong những hoạt động hợp tác thường niên giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện FES nhằm thúc đẩy hợp tác đào tạo, nghiên cứu về bình đẳng giới và phát triển bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu đưa Học viện trở thành một cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khoa học về phụ nữ và bình đẳng giới có uy tín tại Việt Nam.

 

 

 


[*] Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phụ nữ - Học viện Phụ nữ Việt Nam

Tác giả

Nguyễn Thị Thanh Thủy
Học viện Phụ nữ Việt Nam
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-04-09
Chuyên mục
THÔNG TIN KHOA HỌC