ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG KHÁNG KHUẨN CỦA Ageratum conyzoides L. ỨC CHẾ VI KHUẨN Xanthomonas oryzae pv. oryzae GÂY BỆNH CHÁY BÌA LÁ LÚA

  • Mai Như Phương, Trần Thị Thu Thủy
Từ khóa: Ageratum conyzoides L; Bệnh cháy bìa lá; Cỏ cứt heo; Cây lúa; Xanthomonas oryzae

Tóm tắt

Mục đích của nghiên cứu này nhằm xác định khả năng ức chế vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae (Xoo) trên đĩa petri và ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt lúa bằng dịch trích từ cỏ cứt heo (Ageratum conyzoides L.). Phương pháp kháng sinh đồ được xác định bằng khuếch tán dịch trích vào môi trường Wakimoto chứa vi khuẩn Xoo với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, khả năng kháng khuẩn của các nghiệm thức không có sự khác biệt so với nghiệm thức đối chứng (nước vô trùng) với vùng ức chế từ 0 – 0,75 mm sau 96 giờ sau khi cấy. Do đó, dịch trích từ A. conyzoides L. ở các nồng độ khác nhau không có tác dụng kháng khuẩn trực tiếp đối với Xoo. Thử nghiệm ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt lúa bằng dịch trích từ A. conyzoides L. cho thấy nghiệm thức dịch trích có chiều dài diệp tiêu tương đương nghiệm thức đối chứng (nước vô trùng) ở các thời điểm 48, 72 và 96 giờ sau xử lý. Về độ dài của rễ, tất cả các nghiệm thức dịch trích cũng giống như nghiệm thức đối chứng ở thời điểm 72 và 96 giờ sau xử lý. Vì vậy, có thể kết luận rằng, việc ngâm dịch trích A. conyzoides L. ở các nồng độ khác nhau không ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt lúa. Ngoài ra, nồng độ cỏ cứt heo 2% với biện pháp ngâm hạt hay phun kết hợp giai đoạn 25 ngày sau khi gieo và 35 ngày sau khi gieo thể hiện giảm chiều dài vết bệnh ở thời điểm 7 ngày sau khi lây bệnh.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-07-31
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)