NGHIÊN CỨU MỐI LIÊN QUAN GIỮA KHẢ NĂNG TIẾT NỌC CỦA MỘT SỐ DÒNG ONG APIS MELLIFERA Ở VIỆT NAM VÀ ĐA HÌNH TRÌNH TỰ AXIT AMIN TRÊN VÙNG EXON2 CỦA GEN DEF1

  • Lê Quang Trung, Nguyễn Quang Hưng, Trần Mỹ Linh, Nguyễn Chi Mai, Phùng Đức Hoàn, Nguyễn Tường Vân
Từ khóa: Ong ngoại Apis mellifera; Khả năng tiết nọc ong; Vùng Exon2; Gen def1; Đa hình trình tự axit amin

Tóm tắt

Khả năng tiết nọc của ong Apis mellifera để tấn công kẻ thù và bảo vệ tổ phụ thuộc vào mức độ biểu hiện của một số gen như def1, sting... Để thu được nhiều nọc ong, việc xác định dòng ong cho năng suất nọc cao đóng vai trò tiên quyết. Trong nghiên cứu này, sự liên quan giữa khả năng tiết nọc với đa hình trình tự axit amin vùng mã hóa 2 trên gen def1 được thực hiện trên nhóm L-LxC gồm dòng A. m. ligustica (L) và dòng lai giữa chúa L với đực A. m. carnica (LxC) và nhóm C-CxL gồm dòng A. m. carnica (C) và dòng lai giữa chúa C với đực L (CxL). Năng suất nọc trung bình của L-LxC (22,50 - 23,05 mg/đàn) cao hơn C-CxL (18,58 - 18,83 mg/đàn) với p<0,05. Lượng nọc giữa 2 dòng của từng nhóm không sai khác đáng kể (p>0,05), cho thấy khả năng tiết nọc của đàn ong di truyền theo dòng mẹ. Khoảng cách tin cậy về chủng loại (giá trị bootstrap 93%) với bốn điểm đột biến đặc trưng tại các vị trí 10, 16, 53 và 54 trên vùng Exon2 thuộc gen def1 của 2 nhóm ong phản ánh cơ sở phân tử về khả năng tiết nọc cao hơn của nhóm ong L-LxC so với nhóm ong C-CxL. Các điểm đột biến này có thể sử dụng như các chỉ thị phân tử để chọn dòng ong A. mellifera cho năng suất nọc ong cao.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-04-28
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)