PHÂN LẬP VI KHUẨN LACTIC CÓ HOẠT TÍNH ĐỐI KHÁNG NẤM Colletotrichum sp. GÂY BỆNH THÁN THƯ TRÊN TRÁI ỚT SỪNG SAU THU HOẠCH

  • Nguyễn Thị Hồng Gấm, Trần Quốc Dũng, Nguyễn Trí Yến Chi, Quách Văn Cao Thi
Từ khóa: Bệnh thán thư; Capsicum annuum L.; Colletotrichum sp.; Hoạt tính kháng nấm; Vi khuẩn lactic

Tóm tắt

Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp. xuất hiện ngày càng phổ biến, gây nhiều thiệt hại đến năng suất và chất lượng của nhiều loại cây trồng. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn vi khuẩn lactic có hoạt tính đối kháng nấm Colletotrichum sp. gây bệnh thán thư trên trái ớt sừng sau thu hoạch ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Kết quả nghiên cứu đã phân lập được 7 chủng vi khuẩn lactic từ các sản phẩm lên men truyền thống là kim chi, dưa cải và tôm chua. Hoạt tính đối kháng của các chủng vi khuẩn lactic phân lập được đối với nấm Colletotrichum sp. được thực hiện bằng phương pháp đối kháng sợi nấm và phương pháp đối kháng bào tử. Kết quả cho thấy 7/7 chủng vi khuẩn lactic có hoạt tính đối kháng với nấm Colletotrichum sp., trong đó có 6/7 chủng đối kháng mạnh và 1/7 chủng đối kháng trung bình. Kết quả nghiên cứu chọn được chủng vi khuẩn lactic KC2R có hoạt tính đối kháng mạnh nhất với nấm Colletotrichum sp., với hiệu suất đối kháng bằng phương pháp sợi nấm là 25,40% và trung bình đường kính vòng vô nấm bằng phương pháp bào tử là 5,62 cm. Dựa vào kết quả quan sát đặc điểm hình thái, giải trình tự đoạn gen 16S rRNA cho thấy, chủng vi khuẩn KC2R tương đồng 100% với loài Lactobacillus plantarum. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chủng vi khuẩn KC2R có tiềm năng ứng dụng cao trong việc bảo quản ớt sừng sau thu hoạch.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-01-31
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)