CHỌN LỌC IN VITRO MỘT SỐ DÒNG CÚC ĐẠI ĐÓA (Chrysanthemum × morifolium) CHỊU MẶN

  • La Việt Hồng, Lê Hoàng Đức, Chu Đức Hà, Cao Phi Bằng, Phùng Thị Hà
Từ khóa: Hoa cúc; Chọn lọc; Chịu mặn; Đại đóa; Đa dạng di truyền

Tóm tắt

Cây hoa cúc là một trong những cây được trồng rộng rãi và cũng là một trong những loại hoa cây cảnh quan trọng nhất trên thế giới.  Trong nghiên cứu này, chúng tôi thiết lập hệ thống tái sinh chồi bất định từ mảnh là cây hoa cúc đại đóa, sau đó xác định nồng độ NaCl làm áp lực chọn lọc trực tiếp chồi bất định, đồng thời phân tích sự đa dạng di truyền của các dòng sau chọn lọc được thực hiện bằng ISSR-PCR. Kết quả cho thấy, môi trường phù hợp nhất để tái sinh chồi bất định từ mảnh lá ở cúc đại đóa là MS, đường 30 g/l sucrose, 7 g/l  agar, pH 5,8, bổ sung 0,5 mg/l BAP. Sau 5 tuần nuôi cấy, số chồi/mẫu, số lá/chồi và chiều cao chồi lần lượt là 4,37 (chồi/mẫu); 4,25 (lá/chồi) và 1,96 (cm). Môi trường để chọn lọc trực tiếp chồi in vitro chịu mặn là môi trường tái sinh chồi bất định có bổ sung muối NaCl 100 mM. Mồi ISSR 873 [5'-(GACA)4-3'] là phù hợp để phân tích mối quan hệ di truyền các dòng cúc sau chọn lọc. Bằng phân tích ISSR-PCR, năm dòng cúc sau chọn lọc (D1-D5) thể hiện sự đa dạng di truyền. Những dòng cúc này là nguyên liệu tốt cho các phân tích tiếp theo về tính chịu mặn.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-07-31
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)