THAY THẾ KHÔ DẦU ĐẬU TƯƠNG BẰNG BỘT LÁ MORINGA OLEIFERA TRONG KHẨU PHẦN CỦA GÀ ĐẺ BỐ MẸ LƯƠNG PHƯỢNG

  • Hoàng Thị Hồng Nhung, Từ Quang Hiển, Từ Trung Kiên, Trần Thị Bích Ngọc
Từ khóa: Thay thế Khô dầu đậu tương Bột lá Moriga oleifera Gà đẻ bố mẹ

Tóm tắt

Thí nghiệm này nhằm mục đích xác định khả năng thay thế khô dầu đậu tương bằng bột lá Moringa oleifera tính theo tỷ lệ protein thô (CP) của khô dầu đậu tương có trong khẩu phần. Thí nghiệm được thực hiện trên gà đẻ bố mẹ giống Lương Phượng trong 16 tuần với tổng số 360 gà mái và 48 gà trống, chia đều thành 4 lô (4 nghiệm thức). Tỷ lệ protein thô của khô dầu đậu tương (PKD) và protein thô của bột lá M. oleifera (PBL) trong khẩu phần của các nghiệm thức (NT) như sau: NT1 100% PKD + 0% PBL, NT2: 70% PKD + 30% PBL, NT3: 60% PKD + 40% PBL, NT4: 50% PKD + 50% PBL. Gà của 4 NT được cho ăn định lượng với khẩu phần có năng lượng trao đổi và tỷ lệ CP giống nhau. Kết quả cho thấy: Tỷ lệ đẻ trung bình, năng suất trứng, trứng giống/ mái trong 16 tuần của 4 nghiệm thức xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: NT2, NT3, NT1, NT4. Tỷ lệ gà con loại 1/ trứng ấp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: NT4, NT3, NT2, NT1. Chi phí thức ăn cho một gà con loại 1 từ thấp đến cao như sau: NT2, NT3, NT4, NT1. Trên cơ sở phân tích thống kê các kết quả đã đạt được thì có thể thay thế tới 50% CP của khô dầu đậu tương bằng CP của bột lá M. oleifera trong khẩu phần của gà đẻ bố mẹ Lương Phượng, tuy nhiên, mức thay thế 30 và 40% đạt hiệu quả cao hơn.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-01-31
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)