ẢNH HƯỞNG CỦA TUỔI ĐẾN SỰ BIẾN ĐỔI CÁC TÍNH CHẤT VẬT LÝ VÀ CƠ HỌC CỦA GỖ KEO TAI TƯỢNG (Acacia mangium) TRỒNG TẠI THÁI NGUYÊN

  • Dương Văn Đoàn, Nguyễn Văn Thái, Khổng Văn Mạnh
Từ khóa: Khoa học gỗ Keo tai tượng Khối lượng thể tích Tuổi cây MOE MOR

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm điều tra ảnh hưởng của tuổi đến một số tính chất vật lý và cơ học của gỗ Keo tai tượng trồng tại Thái Nguyên như: khối lượng thể tích (AD), độ bền uốn tĩnh (MOR), và mô đun đàn hồi uốn tĩnh (MOE). Các mẫu gỗ có kích thước 20 (xuyên tâm)  20 (tiếp tuyến)  320 (dọc thớ) mm được cắt từ vị trí ngang ngực của các cây mẫu ở tuổi 7, 10, và 14. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: giá trị trung bình AD ở độ ẩm 12% của Keo tai tượng tuổi 7, 10, và 14 lần lượt là 0,48 g/cm3, 0,51 g/cm3, và 0,53 g/cm3. Giá trị trung bình MOR của gỗ Keo tai tượng tuổi 7, 10, và 14 lần lượt là 64,38 MPa, 71,59 MPa, và 73,46 MPa, trong khi đó giá trị MOE lần lượt là 7,31 GPa, 8,77 GPa, và 9,10 GPa. AD có mối tương quan dương rõ ràng với các tính chất cơ học ở tất cả các tuổi trong nghiên cứu này. Điều này gợi ý rằng AD có thể là một thông số hữu ích để dự đoán được các tính chất cơ học của gỗ Keo tai tượng trồng tại Thái Nguyên. Cả AD, MOR, và MOE đã tăng lên đáng kể từ tuổi 7 đến tuổi 10 nhưng sau đó tăng chậm dần và có xu hướng không thay đổi đến tuổi 14. Kết quả của nghiên cứu này là tài liệu tham khảo quan trọng cho người trồng rừng Keo tai tượng khi quyết định có nên kéo dài thời gian trồng sau 10 năm hay không.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-01-31
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)