NGHIÊN CỨU TÁI SINH ĐA CHỒI IN VITRO Ở CÂY ĐẬU NHO NHE [Vigna umbellata (Thunb.) Ohwi & H. Ohashi]

  • Nguyễn Thị Ngọc Lan, Vũ Thu Trang
Từ khóa: chuyển gen; đậu nho nhe; đa chồi; hệ thống tái sinh in vitro; Vigna umbellata.

Tóm tắt

Cây đậu đỗ là nhóm cây trồng chủ lực ở Việt Nam. Trong nhóm này, đậu Nho nhe cũng được sử dụng với nhiều công dụng khác nhau như: dùng làm thực phẩm, cải tạo đất nhờ có khả năng cố định đạm, làm phân xanh và được sử dụng để che phủ đất, đặc biệt là ở khu vực đất dốc như sườn đồi, núi. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, không có nhiều thông tin nghiên cứu về loại cây này. Hơn nữa, với đặc tính là có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại và các tác động bất lợi từ ngoại cảnh, đậu Nho nhe được xem là nguồn gen quý trong công tác cải thiện và nâng cao tính chống chịu của cây họ Đậu. Vì vậy, việc xác định được quy trình tái sinh đa chồi in vitro cây đậu Nho nhe có vai trò quan trọng và là cơ sở để ứng dụng kỹ thuật chuyển gen ở cây họ Đậu. Trong nghiên cứu này, cây đậu Nho nhe được tái sinh thành công từ chồi ngọn in vitro. Hạt sau khi khử trùng 20 phút bằng dung dịch javen 60% được chuyển vào môi trường nảy mầm, sau 6 ngày thu chồi để tái sinh. Môi trường tốt nhất để tạo đa chồi từ chồi ngọn đậu Nho nhe là MS bổ sung BAP 1,5 mg/l; sucrose 30 g/l; agar 9 g/l;  nước dừa 10%. Môi trường thích hợp để tạo rễ cây đậu Nho nhe in vitro là MS có bổ sung 0,3 mg/l IBA. Cây đậu Nho nhe in vitro được đưa thành công ra vườn ươm trên nền giá thể chứa đất thịt và trấu hun với tỷ lệ 2:1

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-07-31
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)