ĐỊNH LƯỢNG MỘT SỐ HỢP CHẤT TRONG DƯỢC LIỆU RÂU MÈO (Orthosiphon stamineus Benth) THU HÁI TẠI TỈNH THÁI NGUYÊN

  • Phạm Thị Thúy
  • Vũ Văn Thông
  • Vũ Phạm Thảo Vy

Tóm tắt

Cây Râu mèo có tên khoa học là Orthosiphon stamineus Benth, còn có tên gọi là Bông Bạc, thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Trên thế giới cây Râu mèo là cây nhiệt đới tương đối điển hình, mọc tự nhiên phổ biến ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, các nước ở Đông Dương và châu Phi. Ở Việt Nam, cây Râu mèo phân bố rải rác ở vùng đồng bằng và miền núi như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội (Ba Vì), Lâm Đồng, Phú Yên (Tuy Hòa), Ninh Thuận (Phan Rang), Kiên Giang (Phú Quốc). Từ xa xưa con người đã biết đến công dụng của cây Râu mèo có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp, thông mật, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng hoạt chất sinensetin ở loài cây này có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hàm lượng các hợp chất này có sự thay đổi theo điều kiện sinh thái ở các vùng. Trong nghiên cứu này chúng tôi đã tiến hành phân tích hàm lượng một số hoạt chất trong thân, lá cây Râu mèo phân bố tại tỉnh Thái Nguyên. Với phương pháp định tính bằng máy sắc kí lớp mỏng và định lượng bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), đã xác định được một số hợp chất hóa học của cây Râu mèo, bao gồm: sinensetin, acid ursolic, acid rosmarinic. Trong đó sinensetin giao động từ 0,0112 đến 0,0195%, bình quân chung là 0,0154% hàm lượng chất khô. Acid rosmarinic giao động từ 0,0769 đến 0,2231%, bình quân chung là 0,1618% hàm lượng chất khô. Acid ursolic giao động từ 0,0055 đến 0,0301%, trung bình là 0,0146% hàm lượng chất khô.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-01-30
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)