Đánh giá tiềm năng trữ nước vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp trong bối cảnh biến đổi khí hậu

  • Bùi Quốc Nam
  • Lê Hải Trí
  • Lê Hữu Thịnh
  • Lê Tuấn Tú
  • Trần Văn Tỷ
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, Nhu cầu nước, Trữ nước, Kịch bản, Vùng Đồng Tháp Mười

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tiềm năng trữ nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH). Để đạt được mục tiêu trên, trước tiên, khu vực trữ nước tiềm năng được xác định từ bản đồ địa hình và cao trình mực nước cao nhất cuối mùa lũ theo từng tần suất; tương quan mực nước giữa các trạm được xác định, từ đó đánh giá tiềm năng trữ nước theo các kịch bản BĐKH giai đoạn 2030, 2040 và 2050; nhu cầu nước của các ngành dùng nước được ước tính và từ đó, khả năng bổ sung nguồn nước từ nguồn trữ nước đánh giá cho các tháng mùa khô năm tiếp theo.Kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực Tràm Chim cũng như vùng lân cận có tiềm năng trữ nước vào cuối mùa lũ, do điều kiện địa hình thấp và là khu vực bảo tồn sinh thái đất ngập nước. Kết quả ước tính nhu cầu nước cho vùng hạ lưu cho thấy nhu cầu nước cho nông nghiệp chiếm phần lớn (trồng trọt). Trong điều kiện BĐKH, tiềm năng trữ nước khu vực Tràm Chim và khu vực lân cận có thể bổ sung vào nguồn nước hiện có để đáp ứng phần nào các nhu cầu nước (chủ yếu là đảm bảo 100% cung cấp nước sinh hoạt và hoạt động công nghiệp). Cụ thể, đến năm 2030 trữ lượng này sẽ cung cấp nhu cầu nước bốn tháng mùa khô lần lượt là 19,53%; 19,54% và 19,54% tương ứng với các kịch bản RCP2.6, RCP4.5 và RCP8.5 (tần suất 3%). Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho bước đầu cung cấp thêm cơ sở khoa học giúp người dân, các nhà hoạch định chính sách lẫn các cơ quan chức năng có sự nhìn nhận toàn diện và đưa ra các quyết định phù hợp cho toàn vùng trong bối cảnh BĐKH.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-02-28
Chuyên mục
BÀI BÁO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC