Ứng dụng mô hình toán địa chất trong xác lập nhóm mỏ và mạng lưới thăm dò than mỏ Bình Minh, Quảng Ninh

  • Đỗ Mạnh An
  • Nguyễn Tiến Dũng
  • Nguyễn Thị Thanh Thảo
  • Nguyễn Hoàng Huân
  • Phạm Tuấn Anh
  • Đinh Bá Tuấn
Từ khóa: Mạng lưới thăm dò, Mô hình toán, Mỏ than Bình Minh, Nhóm mỏ, Quảng Ninh

Tóm tắt

Mỏ than Bình Minh là một trong những mỏ lớn của bể than Quảng Ninh đã cung cấp trữ lượng khai thác đáng kể phục vụ nhu cầu tiêu thụ than của cả nước. Trên cơ sở dữ liệu thu thập, tổng hợp, xử lý số liệu, cũng như ứng dụng mô hình toán địa chất, các thông số địa chất vỉa than mỏ Bình Minh đã được nhận dạng và nghiên cứu định lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy các vỉa than thuộc nhóm vỉa trung bình đến dày, chiều dày vỉa biến đổi thuộc loại không ổn định (Vm = 53,5÷97,7%); góc dốc vỉa biến đổi thuộc loại ổn định (Vα = 29,4÷44,1%); độ tro than tương đối đồng đều (VA = 56,1÷74,6%). Các vỉa than thuộc nhóm vỉa đơn giản đến tương đối phức tạp với hệ số cấu tạo vỉa (Kcc = 0,84÷0,96); tỷ lệ đá kẹp (Kk = 8÷24%); chiều dày đá kẹp (Mk = 0,16÷1,34 m). Từ kết quả tính toán định lượng đã xác lập được mỏ than Bình Minh thuộc nhóm mỏ thăm dò phức tạp (nhóm mỏ loại III), để thăm dò với nhóm mỏ dạng này nên sử dụng mạng lưới thăm dò dạng tuyến. Kết quả tính toán theo phương pháp thống kê và hàm ngẫu nhiên ổn định cho thấy, để thăm dò mỏ than Bình Minh đạt cấp trữ lượng 122, mạng lưới thăm dò phù hợp là (200÷250)×(90÷100) m. Đây là cứ liệu góp phần lựa chọn mạng lưới, thiết kế phương án thăm dò bổ sung mỏ than Bình Minh nói riêng, cũng như áp dụng định hướng ở các khu vực có điều kiện địa chất khoáng sản tương tự nói chung.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-05-10
Chuyên mục
Bài viết