Ảnh hưởng của chitosan đến một số tính chất của vi nang chứa Lactobacillus acidophilus
Tóm tắt
Thị trường chế phẩm probiotics đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, đạt 49,4 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 69,3 tỷ USD vào năm 2023 do các tác dụng có lợi đã được chứng minh của probiotic trong dự phòng và điều trị một số bệnh ở đường tiêu hóa như ngăn ngừa tiêu chảy, ức chế vi sinh vật (VSV) có hại, tăng cường miễn dịch… Một trong những vấn đề được quan tâm trong bào chế các chế phẩm probiotic là bảo vệ VSV để đảm bảo tỷ lệ sống sót cao nhất khi xuống tới ruột non. Chitosan (CTS) được biết đến là một nguyên liệu có tiềm năng ứng dụng lớn trong cả lĩnh vực y sinh học và thực phẩm, mỹ phẩm như làm màng bọc sinh học bảo quản thực phẩm, hỗ trợ điều trị bỏng hay chất bảo vệ VSV trong chế phẩm probiotic. Trong nhiều nghiên cứu, chitosan cho thấy vai trò bảo vệ, tăng cường khả năng sống sót của VSV khi phối hợp với alginat (Alg), nhưng hầu như chưa có công bố về độ bền của cấu trúc Alg-CTS khi tiếp xúc với dịch tiêu hóa. Nghiên cứu này đã sử dụng các phương pháp khác nhau để phối hợp chitosan với alginat để tạo vi nang chứa Lactobacillus acidophilus nhằm mục đích đánh giá vai trò bảo vệ VSV của chitosan khi phối hợp với alginat, đồng thời đánh giá khả năng bảo toàn tương tác alginat-chitosan khi ủ vi nang trong môi trường mô phỏng dịch dạ dày.
Nguyên liệu
Chitosan (Acros), Lactobacillus acidophilus (ATCC 4356), môi trường MRS broth và agar (Titan - Ấn Độ), natri alginat (Titan - Ấn Độ), tinh bột sắn (TB), calci clorid. Các nguyên liệu được tiệt trùng bằng phương pháp nhiệt ẩm ở 116 oC/20 phút.
Phương pháp nghiên cứu
- Thu sinh khối L. acidophilus
- Phương pháp tạo vi nang
- Phương pháp đánh giá ảnh hưởng của môi trường mô phỏng dịch dạ dày đến tỷ lệ sống sót của VSV và tương tác Alg-CTS trong vi nang
- Phương pháp xử lý số liệu
Kết luận
Nghiên cứu đã tạo được vi nang alginat -tinh bột-chitosan chứa L. acidophilus bằng phương pháp tách pha đông tụ với nồng độ chitosan 0,5 % bằng 2 phương pháp. Kết quả cho thấy sự kết hợp với chitosan có làm thay đổi nhẹ kích thước và hàm ẩm vi nang, tuy nhiên không ảnh hưởng lớn đến số lượng VSV sống sót trong vi nang. Mặt khác tương tác Alg-CTS có thể đã tạo ra phức hợp bền vững với môi trường acid pH = 3,0, do đó giúp tăng khả năng bảo vệ VSV trong môi trường acid. Sau 120 phút ở pH 3,0, vi nang Alg-TB-CTS giúp bảo vệ khoảng 89,55 – 94,15 % lượng L. acidophilus sống sót so với lượng VSV trong nang ban đầu, đạt trên 108 cfu/g – đáp ứng tốt yêu cầu của WHO/FAO đối với chế phẩm probiotic.