Ảnh hưởng của glycyl funtumin lên mức độ phiên mã gen xiap trên dòng tế bào BT474

  • Đỗ Thị Thanh Hoa
  • Đỗ Hồng Quảng

Tóm tắt

XIAP là một protein thuộc nhóm các protein ức chế và đóng vai trò quan trọng trong điều hòa sự chết theo chu trình của tế bào gọi là IAPs (Inhibitors of Apoptosis Proteins), được tìm thấy ở hầu hết các tế bào động vật có xương sống từ bậc thấp đến bậc cao. Cho đến nay, có 8 protein trong nhóm đã được xác định ở người bao gồm: NAIP (còn được gọi là BIRC-1), cIAP-1 (hay HIAP-2/MIHB/BIRC-2), cIAP-2 (hay HIAP-1/MIHC/BIRC-3), XIAP (hILP/MIHA/BIRC-4), survivin (TIAP/BIRC-5), Apollon (Bruce/BIRC-6), ML-IAP (KIAP/livin/BIRC-7) và ILP-2 (BIRC-8). Chúng có chức năng sinh lý điều chỉnh sự chết tế bào theo chu trình, đồng thời giữ vai trò quan trọng quyết định số phận của tế bào trong việc đáp ứng với các tín hiệu bất thường của gen. Do đó, nếu có rối loạn về mặt chức năng các protein này có thể dẫn tới sự hình thành và phát triển của khối u, phát sinh ung thư hoặc kháng thuốc. Protein XIAP gồm 497 acid amin, nằm trong tế bào chất được xem là protein có hoạt tính ức chế caspase mạnh nhất trong số các protein đã biết trong họ IAPs hiện nay. Cơ chế gây ức chế apoptosis của XIAP được cho là do XIAP có khả năng ức chế trực tiếp caspase-3,7,9; Trong đó, caspase 9 là caspase khơi mào, caspase 3,7 là các caspase phản ứng. Caspase có vai trò tối quan trọng đối với sự chết theo chu trình của tế bào. XIAP là chất ức chế quá trình apoptosis, được biểu hiện cao ở hầu hết các bệnh ung thư và sự có mặt của nó liên quan đến tình trạng kháng với hoá trị liệu, tăng tái phát khối u ảnh hưởng đến sự sống còn của bệnh nhân. Một số loại ung thư đã được chứng minh có sự biểu hiện quá mức của XIAP như ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư bàng quang, ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư gan, ung thư nguyên bào thần kinh đệm đa dạng “glioblastomas”,….

Glycyl-funtumin đã được GS. Tôn Thất Tùng sử dụng trong điều trị bổ trợ ung thư gan tại Bệnh viện Việt Đức từ năm 1973. Từ đó, các nghiên cứu về độc tính, tác dụng dược lý, cơ chế tác dụng cũng như các thử nghiệm theo dõi phản ứng bất lợi, hiệu quả điều trị trên bệnh nhân ung thư vú, ung thư phổi và ung thư đường tiêu hóa đã và đang được triển khai.

Năm 1981, nghiên cứu của Giesen và Nguyễn Đăng Tâm trên tế bào ung thư gan  nuôi cấy trong môi trường có chứa glycyl-funtumin cho thấy: Ở nồng độ 6 μg/ml, sau 7 giờ số lượng tế bào bắt đầu giảm và toàn bộ tế bào ung thư gan chết hết sau 48 giờ.

Trong các bài báo trước, chúng tôi đã nghiên cứu mức độ phiên mã gen survivin dưới ảnh hưởng của glycyl-funtumin trên 2 dòng tế bào ung thư vú BT474 và ung thư phổi A549. Kết quả cho thấy, mức độ phiên mã gen survivin bị ức chế bởi glycyl-funtumin 6 mg/mL trên cả hai dòng tế bào BT474 và A549.

            Để làm rõ hơn cơ chế tác dụng ức chế tế bào ung thư của glycyl-funtumin và mong muốn tìm hiểu thêm mối quan hệ của glycyl-funtumin với họ các IAP, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Ảnh hưởng của glycyl-funtumin lên mức độ phiên mã gen XIAP trên dòng tế bào BT474”.

Đối tượng nghiên cứu Sinh phẩm: Dòng tế bào ung thư vú BT 474 do Phòng Công nghệ tế bào động vật Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam cung cấp.             Hóa chất: Môi trường bổ sung đầy đủ: DMEM high glucose (Invitrogen) + 10 % FBS (Invitrogen) + 1 % P/S (Invitrogen) + 2 mM L-glutamin. Phương pháp nghiên cứu

 Nguyên tắc: Sau khi nuôi cấy tế bào BT474 trong môi trường có mặt glycyl-funtumin, tiến hành tách chiết mARN tổng số rồi đánh giá mức độ phiên mã của gen XIAP dưới ảnh hưởng của glycyl-funtumin bằng phương pháp RT-PCR.

- Nuôi cấy dòng tế bào BT474 trong môi trường thử và chứng

- Tiến hành thử thuốc

- Tách chiết ARN

- Xác định nồng độ và độ tinh sạch của mẫu ARN tách chiết được bằng phổ hấp thụ: Sử dụng máy Nano Drops.

- Xác định mức độ phiên mã của gen XIAP

- Phản ứng Real-time PCR phát hiện gen XIAP

Kết luận

Glycyl-funtumin ở nồng độ 3 μg/ml trong 24 giờ có khả năng ức chế sự phiên mã gen XIAP trên dòng tế bào ung thư vú BT474, điều này một lần nữa khẳng định giả thuyết về cơ chế anti IAP của glycyl-funtumin (Aslem).

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-06-29
Chuyên mục
NGHIÊN CỨU - KỸ THUẬT