Điều soát thuốc trên bệnh nhân phẫu thuật có kế hoạch – đóng góp của dược sỹ lâm sàng

  • Nguyễn Huy Khiêm
  • Nguyễn Thị Minh Huyền
  • Phạm Thị Thuý Vân

Tóm tắt

Điều soát thuốc (Medication reconciliation) là hoạt động thu thập thông tin chính xác về tiền sử dùng thuốc (TSDT), tiền sử dị ứng và các phản ứng bất lợi của thuốc (ADR) bệnh nhân từng gặp phải nhằm đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả khi người bệnh chuyển đổi vị trí điều trị, chăm sóc. Trên bệnh nhân ngoại khoa, hoạt động này càng có ý nghĩa do một số thuốc người bệnh đang sử dụng có thể gây rủi ro, tai biến trong quá trình phẫu thuật hoặc làm trì hoãn phẫu thuật (như thuốc chống đông, thuốc chống kết tập tiểu cầu,...). Thực hiện điều soát thuốc ngay từ phòng khám tiền phẫu thuật sẽ hỗ trợ bác sỹ lên kế hoạch điều trị phù hợp: ngày phẫu thuật, chế độ dùng các thuốc bệnh nhân trước ngày phẫu thuật (ngừng thuốc/thay thế bằng thuốc khác/tiếp tục dùng), từ đó đảm bảo bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật và gây mê an toàn cũng như được tiếp nối điều trị các bệnh lý mắc kèm (nếu có) sau phẫu thuật một cách hợp lý.

Tại Việt Nam, khai thác tiền sử dùng thuốc là nhiệm vụ thường quy của bác sỹ, điều dưỡng trong khi dược sỹ lâm sàng (DSLS) hầu như không tham gia vào hoạt động này dù đã có quy định cụ thể trong thông tư 31/2012/TT-BYT của Bộ Y tế. Theo Hội Dược sỹ Hoa Kỳ (ASHP), dược sỹ nên đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điều soát thuốc do thường thực hiện nhiệm vụ này đầy đủ, chính xác và có thể đem lại những lợi ích đáng kể về chi phí - hiệu quả: gia tăng số lượng thuốc khai thác được so với nhân viên y tế khác, giảm số lượng khác biệt (discrepancies) giữa đơn thuốc trước và sau nhập viện, giảm tỉ lệ tái nhập viện và cả tỉ lệ tử vong.

 Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị cũng như đảm bảo an toàn sử dụng thuốc, đặc biệt trên bệnh nhân ngoại khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (BV Vinmec), Khoa Dược bắt đầu triển khai hoạt động điều soát thuốc được thực hiện bởi DSLS tại Khoa Nội trú Ngoại từ tháng 4/2018. Theo đó, DSLS sẽ tiến hành hỗ trợ khai thác TSDT trên một số bệnh nhân, trao đổi và theo dõi phác đồ điều trị cùng bác sỹ phẫu thuật. Trên cơ sở đó, đã thực hiện một nghiên cứu khảo sát hoạt động điều soát thuốc trên bệnh nhân phẫu thuật có kế hoạch tại BV Vinmec như bước đầu tiên đánh giá vai trò của DSLS trong hoạt động này và giá trị mà nó mang lại đối với hệ thống y tế và người bệnh.

Đối tượng

Nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City từ 28/11/2018 đến 31/3/2019.

Phương pháp: Sử dụng phương pháp nghiên cứu quan sát mô tả tiến cứu.

Bệnh nhân đưa vào nghiên cứu được khai thác TSDT bởi DSLS (tại Phòng khám Ngoại - trước khi nhập viện, hoặc tại Khoa Nội trú Ngoại) và ghi nhận về tiền sử phản ứng dị ứng thuốc/ADR, danh sách các thuốc bệnh nhân đang dùng tại nhà (bao gồm thuốc điều trị bệnh mạn tính, thuốc điều trị vấn đề cấp tính được sử dụng trong vòng 2 tuần gần đây). Thông tin này được so sánh với thông tin do điều dưỡng ghi nhận theo thường quy trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.

Về các thuốc điều trị bệnh mạn tính bệnh nhân hiện sử dụng, chế độ dùng các thuốc này ngay trước phẫu thuật sẽ được ghi lại (ngừng/thay thế thuốc, tiếp tục dùng).

Kết luận

Điều soát thuốc do DSLS thực hiện trên bệnh nhân phẫu thuật có kế hoạch tại Bệnh viện Vinmec đã đem lại những thông tin bổ sung có ý nghĩa vào tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân, đồng thời bước đầu cho thấy những ảnh hưởng tích cực tới việc quản lý chế độ thuốc trước phẫu thuật so với thực hành thường quy. Cần thêm những nghiên cứu để đánh giá và khẳng định vai trò của mới mẻ nhưng đầy ý nghĩa này của DSLS trong môi trường y tế tại Việt Nam.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-04-14
Chuyên mục
BÀI BÁO