Nghiên cứu mức độ nhiễm các loài của chi Aspergillus Fr.: Fr. và aflatoxin trên vị thuốc liên nhục (Semen Nelumbinis nuciferae) đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội

  • Trần Trịnh Công
  • Tạ Mạnh Hùng
  • Lê Thị Thu Hương

Tóm tắt

Thảo dược và các chế phẩm từ nguồn nguyên liệu này thường nhạy cảm với sự lây nhiễm nấm mốc và mycotoxin. Trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, bảo quản và phân phối, thảo dược là mục tiêu lây nhiễm của nhiều loại nấm mốc khác nhau (đặc biệt là các loài của Aspergillus, một chi nấm có nhiều loài có khả năng sinh độc tố) và là nguyên nhân gây hư hỏng và nhiễm mycotoxin. Hạt sen (Semen Nelumbinis nucifaerae) còn được gọi là thạch liên tử hay liên nhục (một thảo dược có thành phần dinh dưỡng thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc), thường được sử dụng trong Đông y làm thuốc bổ, cố tinh, chữa di tinh, mất ngủ, thần kinh suy nhược... Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn rất ít các công trình nghiên cứu về nấm mốc và mycotoxin trên thảo dược này. Để góp phần đảm bảo độ an toàn và hiệu quả sử dụng của thảo dược nói chung, vị thuốc liên nhục nói riêng, đề tài "Nghiên cứu mức độ nhiễm các loài của chi Aspergillus Fr.: Fr. và aflatoxin trên vị thuốc liên nhục (Semen Nelumbinis nucifaerae) đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội" được thực hiện, với mục tiêu phân lập, phân loại các chủng nấm thuộc chi Aspergillus và aflatoxin nhiễm trên vị thuốc này.

Đối tượng nghiên cứu: 10 mẫu vị thuốc liên nhục (Semen Nelumbinis nucifaerae) thu thập từ một số hiệu thuốc Đông dược trên địa bàn Hà Nội.

- Môi trường phân lập: Môi trường PDA.

- Môi trường phân loại: Môi trường ADM.

Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp xác định hàm ẩm dược liệu

- Phương pháp phân lập nấm mốc

- Phương pháp phân loại nấm mốc

- Mức độ nhiễm các loài của chi

- Phương pháp phân tích aflatoxin bằng HPLC với detector huỳnh quang

Kết luận

Kết quả phân tích nấm và aflatoxin trên các mẫu liên nhục cho thấy: Các mẫu nghiên cứu đã bị nhiễm khá đa dạng các loài nấm của chi Aspergillus, bao gồm A. flavus, A. niger, A. fumigatus, A. tamarii, A. ustus, A. aculeatus. 3/10 mẫu liên nhục có tỷ lệ nhiễm loài A. flavus cao (30 LÔ, 44A LÔ và 62 LÔ) đều bị nhiễm aflatoxin toàn phần vượt quá ngưỡng qui định cho phép của ngành Y tế (Dược điển Việt Nam V) 5 - 17 lần (giới hạn cho phép ≤ 4 ng/g); đồng thời cả 3 mẫu cũng bị nhiễm aflatoxin B1 với hàm lượng dao động từ 2,8 - 13,6 ppb; vượt quá ngưỡng qui định của ngành Y tế từ 1,4 - 7 lần (giới hạn cho phép ≤ 2 ng/g). Đây là thực trạng nhiễm độc tố aflatoxin đáng cảnh báo của vị thuốc liên nhục, cần hết sức lưu ý trong bảo quản và nên có qui định giới hạn cho phép của độc tố này để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-03-25
Chuyên mục
BÀI BÁO