Đánh giá độc tế bào của ba chất tinh khiết tách từ bảy lá một hoa (Paris polyphylla var chinensis Smith.) và CT-1 tách từ khổ sâm cho lá (Croton tonkinensis Gagnep.) in vitro và xác định cơ chế gây chết của CT-1, gracillin trên tế bào ung thư tụy PANC-1

  • Phí Thị Xuyến
  • Phạm Thị Nguyệt Hằng
  • Nguyễn Thị Phượng
  • Đỗ Thị Hà
  • Nguyễn Minh Khởi
  • Phương Thiện Thương

Tóm tắt

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu ung thư Hoa kỳ (NCI), ung thư hiện đang là nhóm bệnh có tỷ lệ ngày càng cao trong cộng đồng dân cư, khiến khoảng 10 triệu người chết hàng năm. Nhóm bệnh này gồm khoảng hơn 200 loại, phổ biến là ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tụy ... trong đó, ung thư tụy được xếp thứ 5 trong số ca tử vong vì ung thư. Việc nghiên cứu tìm ra thuốc điều trị ung thư nói chung và ung thư tụy nói riêng vẫn đang là thách thức của ngành Y - Dược, ngoài việc sử dụng các hóa chất tổng hợp, bán tổng hợp thì việc sử dụng các dược liệu với những hoạt chất của nó cũng được các nhà nghiên cứu đầu tư quan tâm vì có nhiều lợi ích: (a) dược liệu được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền; (b) có thể được dùng trong 70 - 90 % dân số các nước đang phát triển; (c) thường có lượng lớn, do đó chi phí tách chiết các chất thấp hơn nhiều so với chi phí tổng hợp hóa học của chúng...

Trong đó có hai dược liệu đang được quan tâm trong nghiên cứu là: Paris polyphylla Smith. - Bảy lá một hoa - thuộc họ Trọng lâu (Trilliaceae), còn gọi với các tên khác như: thất diệp nhất chi hoa, cúa dô (H'Mông). Croton tonkinensis Gagnep. - Khổ sâm cho lá - thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceace). Chất ent-18-acetoxy-7β-hydroxy kaur-16-en-15-one (viết tắt CT-1) là hợp chất có hàm lượng lớn nhất trong lá cây khổ sâm và đã được công bố gây độc trên nhiều dòng tế bào ung thư của người với giá trị IC50 rất nhỏ.

Do vậy, sử dụng những mẫu chất tinh khiết trên để tiến hành thí nghiệm nghiên cứu độc tính tế bào trên 8 dòng tế bào ung thư. Đồng thời sử dụng kỹ thuật Western Blot để đánh giá tác dụng của hai chất CT-1 và gracillin lên sự biểu hiện của một số protein đánh dấu quá trình chết theo chương trình apoptosis trên tế bào ung thư tụy PANC-1.

Nguyên vật liệu thí nghiệm

- Tế bào: 08 dòng tế bào ung thư gồm tế bào ung thư tụy (PANC-1)

- Hóa chất cho thử độc tính tế bào

- Hóa chất cho chạy Western blot

- Chất nghiên cứu gồm:  Hợp chất: ent-18 -acetoxy - 7 b -hydroxykaur - 16-en - 15-one (CT-1) ở dạng bột màu trắng, độ tinh khiết 97 %.

Phương pháp nghiên cứu

- Đánh giá độc tính tế bào bằng phương pháp SRB

- Đánh giá biểu hiện protein bằng kỹ thuật Western Blot.

Kết luận

+ Ba hợp chất gracillin, paris saponin II, paris saponin H tách từ bảy lá một hoa  và hợp chất CT-1 tách từ khổ sâm cho lá có tác dụng gây độc mạnh trên cả 8 dòng tế bào ung thư với giá trị IC50 < 10 µM. Điều này gợi ý rằng hai dược liệu này có thể là dược liệu tiềm năng trong việc nghiên cứu bào chế các thuốc hỗ trợ điều trị ung thư trong tương lai.

+  Thông qua kỹ thuật Western blot đã xác định được cơ chế gây chết của hợp chất CT-1 là gây cảm ứng tế bào PANC-1 theo hướng chết theo chương trình apoptosis qua cả hai lộ trình bên ngoài qua thụ thể chết và lộ trình bên trong qua ty thể. Trong khi đó hợp chất gracillin lại không gây chết theo cơ chế này và cần có các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai để làm sáng tỏ cơ chế gây chết của Gracillin trên dòng tế bào ung thư tụy PANC-1.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-03-25
Chuyên mục
BÀI BÁO