Phân lập glinosid C và spergulacin A từ phần trên mặt đất của cây rau đắng đất (Glinus oppositifolius (L.) DC.)

  • Nguyễn Thị Thu Hiền
  • Phạm Đông Phương

Tóm tắt

Rau đắng đất (Glinus oppositifolius) có tác dụng lợi tiêu hóa, nhuận gan, ích mật, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chế phẩm như Boganic, BAR, Livonic ..... có thành phần rau đắng đất được sử dụng khá phổ biến do có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị viêm gan, bảo vệ gan, chống suy giảm chức năng gan, chống xơ vữa động mạch, giảm mỡ máu...

 Tuy nhiên, cho đến nay ở trong nước chưa có thông báo nào về thành phần hóa học của cây này và vì vậy  việc phân lập một số hợp chất trong rau đắng đất là cần thiết để làm sáng tỏ thành phần hóa học và làm cơ sở cho công tác tiêu chuẩn hóa nguyên liệu cũng như thành phẩm có chứa rau đắng đất, góp phần nâng cao chất lượng thuốc sản xuất từ dược liệu.

Nguyên liệu

Phần trên mặt đất của cây rau đắng đất thu hái ở Ấp Suối Cao A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh vào tháng 6 năm 2018. Mẫu cây đã được TS. Võ Văn Chi xác định loài là Glinus oppositifolius (L.) DC.

Dung môi, hóa chất dùng trong chiết xuất và phân lập gồm ethanol (EtOH), ethyl acetat (EtOAc), n-butanol (n-BuOH), metanol (MeOH), chloroform ... đạt tiêu chuẩn thí nghiệm. Bản mỏng silica gel GF254 (Đức), sắc ký cột dùng silica gel cỡ hạt 40-63 µm (Đức) và sắc ký cột pha đảo RP-18 (Silicycle silicaBondR (Canada)). Các dung môi, hóa chất, thuốc thử đạt tiêu chuẩn tinh khiết dùng chiết xuất, phân lập, và kiểm nghiệm. Phổ khối lượng ion hóa hóa học ở áp suất khí quyển (APCI) được đo trên máy X500R QTOF. Phổ cộng hưởng từ hạt nhân đo trên máy Bruker AM500 FT-NMR.

Phương pháp nghiên cứu

Chiết xuất các hợp chất trong rau đắng đất bằng cồn 70% theo phương pháp đun hồi lưu và tách các phân đoạn từ cao cồn bằng phương pháp chiết với dung môi có độ phân cực tăng dần, thu hồi dung môi để thu được các cao tương ứng (ethyl acetat và n-butanol).

Phân lập các hợp chất bằng sắc ký cột với các chất hấp phụ là  silicagel pha thường, pha đảo.

Xác định cấu trúc các chất phân lập dựa trên dữ liệu phổ tử ngoại (UV), phổ khối (APCI-MS), phổ cộng hưởng từ hạt nhân (1D-NMR, 2D-NMR) và so sánh với dữ liệu phổ đã công bố.

Kết luận

Từ 350 g cao cồn toàn phần chiết bằng ethanol của phần trên mặt đất cây rau đắng đất đã phân tách bằng chiết xuất phân bố lỏng - lỏng với dung môi có tính phân cực tăng dần đã thu được các cao phân đoạn. Từ 30 g cao EtOAc tiến hành phân lập bằng các kỹ thuật sắc ký cột nhanh (VLC) và sắc ký cột pha đảo (RP-18) thu được hai hợp chất tinh khiết G-3 (105 mg) và G-4 (52 mg). Dựa vào các dữ liệu các phổ (-) APCI-MS và 1D-NMR, 2D-NMR kết hợp với so sánh dữ liệu trong tài liệu đã công bố, các hợp chất G-3G-4 được xác định lần lượt là glinosid C và spergulacin A. Glinosid C và spergulacin A đã được thông báo có trong cây rau đắng đất ở nước ngoài nhưng đây là lần đầu tiên được công bố trong cây rau đắng đất  ở Việt Nam.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-03-05
Chuyên mục
BÀI BÁO