Phân lập một số đồng phân của cynarin từ lá actisô (Cynara scolymus L.)

  • Nguyễn Thị Ánh Nguyệt
  • Lê Minh Tâm
  • Phạm Đông Phương

Tóm tắt

Lá actisô (Cynara scolymus L.) đã được sử dụng từ lâu trong Y học cổ truyền với tác dụng lợi mật, bảo vệ gan và hiện nay có trong Dược điển Châu Âu và Việt Nam. Công dụng của actisô chủ yếu là do các hợp chất acid phenolic gồm acid clorogenic, cynarin, cynarosid... Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về các thành phần hóa học trong lá actisô. Tuy nhiên, ở Việt Nam các nghiên cứu khoa học về actisô chủ yếu là về tác dụng dược lý, trồng trọt, song rất ít các công trình nghiên cứu về thành phần hóa học trong cây trồng này. Mặc dù vậy, việc trồng và sản xuất actisô hiện nay đã được triển khai ở nhiều nơi có khí hậu lạnh phù hợp với sự phát triển của cây như Đà Lạt, Sa Pa. Một số công ty Dược phẩm đã nghiên cứu và sản xuất nhiều chế phẩm có chứa actisô đa dạng cả về số lượng, chất lượng và dạng bào chế. Do đó, nghiên cứu phân lập các chất trong actisô giúp cho việc tiêu chuẩn hóa và nâng cao tiêu chuẩn kiểm nghiệm dược liệu actisô là một vấn đề cấp thiết.

Nguyên liệu

Lá actisô tươi được thu hái tại phường 12, TP. Đà Lạt vào tháng 10/2014. Tên khoa học được xác định bởi TS. Võ Văn Chi. Lá tươi được rửa sạch, để ráo và rọc bỏ gân chính, lấy riêng phần phiến lá.

- Hoá chất: Cồn 96 %, cloroform, ethyl acetat, n-butanol đạt tiêu chuẩn phân tích (PA), acetonitril, methanol, acid formic, ethanol, thuốc thử FeCl3 5 %/EtOH.

- Thiết bị: Sắc kí lớp mỏng (TLC) được thực hiện trên bản mỏng silica gel F254 tráng sẵn (Merck). Sắc ký lỏng trung áp (MPLC) thực hiện trên máy Biorad (Biologic Duoflow Pathfinder 80, đầu dò Quadtec UV- Vis). Sắc kí lỏng hiệu năng cao bán điều chế (Semi-Preparative HPLC) tiến hành trên máy Waters 2767, đầu dò PDA 2996. Phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) được ghi trên máy Bruker Avance 500 MHz, phổ 1H-NMR được đo ở 500 MHz, phổ 13C-NMR được đo ở 125 MHz với TMS được dùng làm chất chuẩn nội (TMS) tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hà Nội. Phổ khối được đo trên máy đo khối phổ MSQ_Plus_DAD tại Viện Công nghệ Hóa học - TP. Hồ Chí Minh.

Phương pháp nghiên cứu

- Chiết xuất: Phiến lá tươi actisô (90 kg) được chiết bằng ethanol 48 %.

- Phân tách các phân đoạn bằng sắc ký cột chân không (VLC) - Phân tách các phân đoạn bằng sắc ký điều chế áp suất trung bình (MPLC) - Phân lập bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao bán điều chế (Semi-Preparative HPLC)

Kết luận

Từ cao ethyl acetat, đã phân lập được 3 đồng phân của cynarin bằng các kỹ thuật sắc ký lỏng áp suất trung bình (MPLC) và sắc ký lỏng hiệu năng cao bán điều chế (Semi-Prep. HPLC). Bằng các phương pháp phổ (UV, MS, NMR) cấu trúc của các chất 1-3 đã được xác định lần lượt là acid 3,5 di-caffeoylquinic, acid 1,5 di-caffeoylquinic và acid 4,5 di-caffeoylquinic.

Nghiên cứu của Basnet và CS. (1996) đã chứng minh các đồng phân acid di-caffeoylquinic có tác dụng bảo vệ gan chuột bị tổn thương bởi CCl4 và D-galactosamin/lipopolysaccharid mạnh hơn acid chlorogenic và glycyrrhizin.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-03-20
Chuyên mục
BÀI BÁO