Nghiên cứu ảnh hưởng của thành phần công thức đến xu hướng dính chày trong quá trình dập viên nén

  • Lê Minh Quân
  • Huỳnh Thị Mỹ Duyên
  • Cao Nguyễn Khương Nhi
  • Nguyễn Ngọc Huyền
  • Võ Thị Mỹ Oanh
  • Lê Hậu

Tóm tắt

Dính chày (punch sticking) là sự cố thường gặp trong sản xuất viên nén, biểu hiện ở các tiểu phân dược chất có trong khối bột/cốm bị dính trên bề mặt chày trong quá trình nén dập. Đây là một hiện tượng phức tạp do tác động đồng thời của nhiều yếu tố như thông số quy trình (lực dập, tốc độ dập ...), thành phần công thức, tính chất hạt (kích thước, hình dạng hạt ...), yếu tố môi trường (độ ẩm, nhiệt độ) và tính chất đầu dập (chất liệu, độ nhám ...). Trong đó tính chất của thành phần công thức được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến của hiện tượng này. 

Trên thế giới, một số nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá tác động của các thành phần công thức lên xu hướng dính chày trong quá trình dập viên. Tuy nhiên, phần lớn chỉ khảo sát một cách đơn lẻ từng trường hợp cụ thể, dữ liệu thu được chưa đầy đủ để có thể hệ thống hóa và ứng dụng vào thực tiễn. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về hiện tượng dính chày đã được công bố. Trong thực tiễn sản xuất, việc khắc phục dính chày mang tính bị động, không có tính phòng ngừa. Sự cố khi diễn ra được khắc phục theo phương pháp thử-sai, gây tốn nhiều nguồn lực và gia tăng chi phí sản xuất.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định xu hướng và mức độ dính chày của các dược chất có tính chất cơ lý và tỷ lệ tải khác nhau. Đồng thời, đánh giá tác động của các nhóm tá dược độn và tá dược trơn chảy. Từ đó, làm rõ các yếu tố nguy cơ và giúp ngăn ngừa hoặc định hướng giải quyết sự cố dính chày trong thực tế sản xuất tại Việt Nam.

Nguyên vật liệu

Các dược chất mô hình trong nghiên cứu gồm ibuprofen, aspirin, acetaminophen, diltiazem hydroclorid. Tá dược độn được khảo sát gồm cellulose vi tinh thể (MCC) PH102, lactose monohydrat, dicalcium phosphat, tinh bột tiền gelatin hóa. Các tá dược trơn gồm magnesi stearat, acid stearic, silica thể keo và talc.

Phương pháp

- Phương pháp điều chế viên nén

- Phương pháp đánh giá tính chất cơ lý của dược chất

- Phương pháp xác định lượng dược chất dính chày

- Phân tích cấu trúc vật lý của mẫu bột rắn

Kết luận

Bằng thực nghiệm, nghiên cứu đã xác định được xu hướng và mức độ ảnh hưởng của các đặc tính lý hóa và tỉ lệ tải dược chất đến sự dính chày. Đối với các tính chất cơ lý của dược chất, nhiệt độ nóng chảy càng cao, xu hướng dính chày càng thấp. Sự dính chày cũng có thể được hạn chế khi làm giảm kích thước tiểu phân dược chất hoặc tỉ lệ phối hợp dược chất trong công thức. Đồng thời, ảnh hưởng của các nhóm tá dược độn, tá dược trơn cũng đã được xác định. Nhóm tá dược độn vô cơ có khả năng gây dính chày cao hơn các tá dược độn khác. Các tá dược trơn theo cơ chế giảm ma sát giữa các hạt cốm ít có tác dụng trong việc làm giảm sự dính chày.

Kết quả thu được có ý nghĩa bổ sung cho các nghiên cứu đã công bố trước đây, đồng thời tạo cơ sở thực nghiệm cho việc đề xuất giải pháp xử lý hoặc ngăn ngừa dính chày trong sản xuất thuốc viên nén tại các nhà máy dược phẩm ở Việt Nam. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-03-20
Chuyên mục
BÀI BÁO