Xây dựng và áp dụng bộ công cụ phát hiện biến cố bất lợi của thuốc (ADE Trigger Tool) bằng phương pháp sàng lọc hồi cứu bệnh án tại Bệnh viện Hữu Nghị

  • Nguyễn Thị Thảo
  • Trần Văn Dân
  • Nguyễn Thị Thu Hương
  • Dương Khánh Linh
  • Nguyễn Tứ Sơn
  • Phạm Thị Thúy Vân

Tóm tắt

Các biến cố bất lợi của thuốc (Adverse drug event - ADE) chiếm khoảng 19% các biến cố bất lợi (Adverse event - AE) trong y khoa và là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tổn thương cho bệnh nhân. Phát hiện ADE là bước quan trọng đầu tiên trong việc cải thiện an toàn cho bệnh nhân.

            Các phương pháp truyền thống để phát hiện ADE chủ yếu bao gồm báo cáo tự nguyện của nhân viên y tế và sàng lọc toàn bộ bệnh án. Tuy nhiên chỉ có 10 - 20% các sai sót được báo cáo từ hệ thống báo cáo tự nguyện, trong số đó có 90 - 95% các sai sót không gây hại cho bệnh nhân [4]. Phương pháp sàng lọc toàn bộ bệnh án có nhược điểm là rất tốn kém, mất thời gian và cần nhiều nhân lực. Để khắc phục những hạn chế đó, phương pháp áp dụng một bộ công cụ gồm các tín hiệu cho phép phát hiện ADE được gọi là ADE Trigger Tool của Viện Cải thiện chăm sóc sức khỏe (Institute for Healthcare Improvement - IHI) đã ra đời. Đây là phương pháp sàng lọc bệnh án một cách có chọn lọc để phát hiện ADE. Phương pháp này đã được rất nhiều bệnh viện ở các quốc gia trên thế giới hiện nay áp dụng để giám sát tần suất ADE.

            Bệnh viện Hữu Nghị là bệnh viện đa khoa hạng I, có đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi, đa bệnh lý, cần sử dụng nhiều thuốc do đó có nguy cơ cao gặp ADE. Năm 2013, bệnh viện đã ban hành quy trình giám sát phản ứng có hại của thuốc. Sau khi đơn vị Dược lâm sàng được thành lập vào tháng 5/2017, quy trình này được cải tiến theo hướng dược sĩ được phân công phụ trách các khoa lâm sàng nhắc nhở khoa phòng thu thập, ghi nhận, báo cáo ADR, đồng thời dược sĩ đi khoa lâm sàng chủ động phát hiện ADR. Tổng số báo cáo ADR năm 2017 của bệnh viện là 54 báo cáo, cho dù có tăng so với trước đây nhưng vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ báo cáo thiếu. Vì vậy, để tăng cường phát hiện ADE, đề tài được thực hiện với hai mục tiêu:

- Xây dựng bộ công cụ để phát hiện biến cố bất lợi của thuốc dựa trên bộ công cụ IHI ADE Trigger Tool.

- Áp dụng bộ công cụ đã xây dựng được để phát hiện biến cố bất lợi của thuốc bằng phương pháp sàng lọc hồi cứu bệnh án.

            Đối tượng nghiên cứu: Bệnh án của các bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên điều trị nội trú tại Bệnh viện Hữu Nghị có thời gian nằm viện ít nhất 2 ngày.

            Phương pháp lấy mẫu

Với mục tiêu 1: Mẫu nghiên cứu gồm 101 bệnh án

Với mục tiêu 2: Trong mỗi quý của năm 2017, lấy ngẫu nhiên 1 tuần và lấy tất cả các bệnh án thỏa mãn tiêu chuẩn có thời gian ra viện thuộc tuần đó. Mẫu nghiên cứu bao gồm 1312 bệnh án.

            Phương pháp nghiên cứu: Sàng lọc hồi cứu bệnh án áp dụng bộ công cụ IHI ADE Trigger Tool (mục tiêu 1) và bộ công cụ IHI ADE Trigger Tool có sửa đổi (mục tiêu 2).

Kết luận

            Nghiên cứu đã xây dựng được bộ công cụ dựa trên bộ công cụ IHI ADE Trigger Tool và quy trình phát hiện ADE có thể áp dụng khả thi trên đối tượng bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Hữu Nghị. Việc áp dụng bộ công cụ vừa xây dựng sẽ tăng khả năng phát hiện ADE, và khắc phục được tình trạng báo cáo thiếu từ hệ thống báo cáo tự nguyện của bệnh viện. Bộ công cụ và quy trình này có thể áp dụng để phát hiện ADE tại các bệnh viện có đặc điểm và hệ thống quản lý dữ liệu bệnh nhân tương tự như Bệnh viện Hữu Nghị. Với các bệnh viện không tương đồng về đặc điểm và hệ thống quản lý dữ liệu bệnh nhân cần thiết phải thử nghiệm để xây dựng một bộ công cụ và quy trình phù hợp nhất với đặc điểm hiện có của bệnh viện.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-11-04
Chuyên mục
BÀI BÁO