Phân tích chi phí điều trị nội trú bệnh hemophilia A tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

  • Nguyễn Thanh Lan
  • Nguyễn Thị Thu Thủy

Tóm tắt

Hemophilia A (HA) là bệnh rối loạn đông máu di truyền chiếm chủ yếu trong bệnh lý hemophilia với tỷ lệ 80 - 85 %. Do khiếm khuyết gen tổng hợp yếu tố VIII dẫn đến giảm nồng độ hoạt tính yếu tố VIII trong máu, người bệnh HA có thời gian đông máu kéo dài làm gia tăng nguy cơ chảy máu dẫn đến tình trạng xuất huyết thường xuyên. Tại Việt Nam ước tính có khoảng 6.000 người mắc bệnh, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 25 - 60/1.000.000 người. Là bệnh có tần suất mắc bệnh không cao nhưng là bệnh nan y mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn với số lượng người bệnh nhập viện ngày càng tăng, hemophilia A có chi phí điều trị cao và là gánh nặng kinh tế không nhỏ cho cá nhân và xã hội. Gánh nặng kinh tế của HA đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu ở các quốc gia như Mỹ, Ý và Đài Loan. Tại Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu đánh giá chi phí điều trị HA được thực hiện. Vì vậy, để đánh giá chi phí, cấu trúc chi phí và các yếu tố liên quan đến chi phí nhằm tạo nền tảng cho việc lập kế hoạch chi phí trong điều trị bệnh hemophilia A tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, đề tài được thực hiện với mục tiêu khảo sát chi phí điều trị nội trú và phân tích các yếu tố liên quan đến chi phí điều trị nội trú hemophilia A tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh.

            Đối tượng nghiên cứu

Chi phí điều trị nội trú bệnh hemophilia A tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh.

            Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành bằng phương pháp mô tả cắt ngang

            Kết luận

            Khảo sát 186 người bệnh điều trị hemophilia A tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh với tỉ lệ nam:nữ là 185:1, độ tuổi trung bình 9,03 ± 4,43 tuổi, thời gian mắc bệnh trung bình 7,66 ± 4,45 năm và thời gian trung bình của một đợt điều trị 5,94 ± 4,51 ngày; nghiên cứu ghi nhận tổng chi phí trung bình mỗi người bệnh chi trả cho một đợt điều trị là 7.382.390,8 ± 397.570,0 VNĐ, trong đó chi phí trực tiếp y tế chiếm ưu thế với 79,96 %. Nghiên cứu ghi nhận mối liên hệ giữa chi phí điều trị với nhóm tuổi, mức độ nặng của bệnh và số ngày điều trị nội trú. Phân tích tương quan hồi quy đa biến giữa các yếu tố liên quan lên chi phí điều trị nội trú với độ tin cậy 95 %; nghiên cứu ghi nhận mô hình hồi quy tuyến tính đa biến chuẩn hóa thể hiện mối quan hệ giữa tổng chi phí với các thành phần có R2 hiệu chỉnh = 0,417; p < 0,05 và có dạng:

            CP = 1.585.898,3 + 913.743,0*SNĐTNT + 3.814.151,4*NT + 1.563.755,4*MĐN.

(Trong đó: CP - chi phí; SNĐTNT - số ngày điều trị nội trú; NT - nhóm tuổi; MĐN - mức độ nặng của bệnh).

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-08-27
Chuyên mục
BÀI BÁO