Đánh giá hiệu quả can thiệp của chương trình quản lý kháng sinh với fosfomycin truyền tĩnh mạch tại Bệnh viện Thanh Nhàn

  • Vũ Đình Hòa
  • Đặng Thị Lan Anh
  • Nguyễn Hoàng Anh B
  • Nguyễn Thị Mai Anh
  • Lê Thị Thanh Nga
  • Nguyễn Thị Thanh Thủy
  • Đào Quang Minh
  • Võ Thị Thu Thủy
  • Nguyễn Hoàng Anh

Tóm tắt

Fosfomycin là kháng sinh có hoạt phổ rộng trên các vi khuẩn Gram dương và Gram âm, bao gồm cả S. aureus kháng methicillin (MRSA) và vi khuẩn sinh enzym beta-lactamase phổ rộng (ESBL). Fosfomycin đường tĩnh mạch (fosfomycin IV) được chỉ định phối hợp với các kháng sinh khác để điều trị các nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn đa kháng và còn nhạy cảm với fosfomycin,  đặc biệt là K. pneumoniae kháng carbapenem. Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đã đưa fosfomycin IV vào danh sách nhóm các kháng sinh "dự trữ" cần có chiến lược quản lý đặc biệt. Trong bối cảnh đó, Bệnh viện Thanh Nhàn có chương trình "Quản lý sử dụng kháng sinh" nhằm tăng cường sử dụng hợp lý kháng sinh nói chung và fosfomycin IV nói riêng. Ngày 26/3/2017, Hội đồng Thuốc và Điều trị của Bệnh viện (HĐT&ĐT) ban hành Quyết định số 26/BVTN với "Quy định về quản lý sử dụng kháng sinh trong Bệnh viện", trong đó fosfomycin IV là thuốc nằm trong "Danh mục các kháng sinh phải phê duyệt trước khi sử dụng" và cần tuân thủ quy trình duyệt đơn chặt chẽ. Tiếp đó, HĐT&ĐT tiếp tục ban hành "Hướng dẫn sử dụng fosfomycin IV tại Bệnh viện Thanh Nhàn" kèm theo Quyết định số 125/BVTN ngày 26/6/2018 với quy định chi tiết về chỉ định, xét nghiệm vi sinh, lựa chọn phác đồ cũng như liều dùng và cách dùng của fosfomycin IV và quy trình giám sát việc sử dụng kháng sinh này thông qua can thiệp của dược sĩ lâm sàng. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác động của các biện pháp can thiệp nói trên đến tình hình tiêu thụ cũng như việc sử dụng fosfomycin IV tại Bệnh viện Thanh Nhàn, làm cơ sở để hoàn thiện quy trình quản lý kháng sinh và nhân rộng hoạt động này trong chương trình quản lý kháng sinh của bệnh viện.

            Đối tượng nghiên cứu

            Đánh giá tình hình tiêu thụ fosfomycin IV của các Khoa Lâm sàng và toàn Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn 2013 - 2018.

Phương pháp nghiên cứu

- Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu can thiệp, theo dõi dọc theo thời gian được chia làm giai đoạn trước can thiệp và hai giai đoạn sau can thiệp tương ứng với việc ban hành "Danh mục các kháng sinh phải phê duyệt trước khi sử dụng" tháng 4/2017 (can thiệp 1) và "Hướng dẫn sử dụng kháng sinh fosfomycin IV tại Bệnh viện Thanh Nhàn" tháng 7/2018 (can thiệp 2) của HĐT&ĐT.

- Xử lý số liệu: Số liệu được thu thập và xử lý thống kê bằng phần mềm SPSS 21.0.

            Kết luận

Các can thiệp từ HĐT&ĐT đã có tác động tích cực lên tiêu thụ fosfomycin IV với xu hướng hạn chế sử dụng trong toàn Bệnh viện Thanh Nhàn, đặc biệt là khối ngoại để tập trung ưu tiên điều trị các nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng, thường gặp tại các đơn vị hồi sức. Kinh nghiệm rút ra từ nghiên cứu này có thể được áp dụng cho các hoạt động khác của chương trình quản lý kháng sinh, giúp bảo tồn hiệu lực của các kháng sinh dự trữ trước tình trạng gia tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-08-27
Chuyên mục
BÀI BÁO