Phân tích kết quả giám sát nồng độ ciclosporin và độc tính thận trên bệnh nhân ghép tế bào gốc đồng loài tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

  • Vũ Đình Hòa
  • Trần Tố Loan
  • Nguyễn Duy Tân
  • Võ Thị Thanh Bình
  • Nguyễn Hoàng Anh

Tóm tắt

Ciclosporin còn gọi là cyclosporine A (CSA) là thuốc ức chế calcineurin đóng vai trò quan trọng trong phác đồ ức chế miễn dịch của bệnh nhân sau ghép tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic stem cell transplantation - HSCT) đồng loài. Với đặc điểm dược động học và đáp ứng điều trị biến thiên lớn giữa các cá thể và thậm chí trong cùng cá thể ở các thời điểm khác nhau, khoảng điều trị hẹp và độc tính cao, đặc biệt là độc tính trên thận, cách tiếp cận tối ưu trong sử dụng CSA là giám sát nồng độ thuốc trong máu (TDM). Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra độc tính thận không những làm xấu đi tình trạng trên lâm sàng mà còn liên quan đến tăng nguy cơ bệnh thận mạn và tử vong ở bệnh nhân HSCT đồng loài, cản trở sự thành công của phương pháp cấy ghép tiên tiến này. Ở Việt Nam, các nghiên cứu tổng kết về TDM, tìm hiểu độc tính thận của CSA nói chung và trên quần thể bệnh nhân HSCT đồng loài nói riêng còn rất hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu khảo sát đặc điểm nồng độ đáy (C0) của CSA thu được từ chương trình TDM, đặc điểm biến cố trên thận ở bệnh nhân HSCT đồng loài có sử dụng CSA tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và xác định các yếu tố ảnh hưởng tới tần suất xuất hiện độc tính trên thận ở quần thể bệnh nhân này.

Đối tượng

Nghiên cứu thu thập số liệu hồi cứu từ bệnh án của tất cả các bệnh nhân được tiến hành HSCT đồng loài có sử dụng CSA trong phác đồ điều trị sau ghép tại Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ tháng 4/2012 đến tháng 6/2017. Các bệnh nhân có tuổi < 15, bệnh nhân không thu thập được dữ liệu về định lượng nồng độ CSA, dữ liệu creatinin huyết thanh (SCr) tại lúc nhập Khoa Ghép tế bào gốc cho đến hết ngày thứ 100 sau ghép sẽ bị loại trừ khỏi nghiên cứu.

            Phương pháp nghiên cứu

            Nghiên cứu được tiến hành hồi cứu trên bệnh án nội trú, theo dõi dọc thời gian trên bệnh nhân sau ghép tế bào gốc đồng loài.

            - Đặc điểm bệnh nhân

            - Đặc điểm về nồng độ đáy (C0) của CSA

            - Đặc điểm về biến cố bất lợi trên thận

            - Các yếu tố được đưa vào phân tích để xác định yếu tố ảnh hưởng đến tần suất xuất hiện độc tính thận trên bệnh nhân

            - Xử lý số liệu

Kết quả

Kết quả nghiên cứu ghi nhận đặc điểm nồng độ đáy của ciclosporin trên nhóm bệnh nhân ghép tế bào gốc đồng loài tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang có xu hướng thấp, khoảng biến thiên rộng, trong đó một số bệnh nhân có nồng độ vượt ngưỡng khuyến cáo. Bên cạnh đó, tỷ lệ xuất hiện độc tính trên thận là 50,7 %, phần lớn ở mức độ nguy cơ. Các yếu tố ảnh hưởng đến độc tính trên thận bao gồm nồng độ trung bình ciclosporin cao và có sử dụng đồng thời amphotericin B. Chính vì vậy, đối với bệnh nhân dùng kèm các thuốc có nguy cơ độc tính trên thận, nồng độ đáy của ciclosporin cũng như chức năng thận cần được cân nhắc giám sát chặt chẽ trong quá trình điều trị. Kết quả thu được góp phần định hướng cho các nghiên cứu dược động học, dược lực học tiếp theo và việc xây dựng quy trình giám sát điều trị chuẩn đối với ciclosporin trên bệnh nhân ghép tế bào gốc đồng loài tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trong tương lai.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-05-06
Chuyên mục
BÀI BÁO