Đặc điểm hình thái và giải phẫu của cây trà hoa vàng Cúc Phương thu hái ở Vườn Quốc gia Cúc Phương

  • Nguyễn Đức Tùng
  • Đỗ Thị Hà
  • Nguyễn Văn Hiếu
  • Nguyễn Hoàng Tuấn

Tóm tắt

Trà hoa vàng (Camellia spp.) hay còn gọi là kim hoa trà - là loài trà có hoa màu vàng thuộc chi Camellia L. được xem là một nguồn gen tự nhiên vô cùng quý hiếm. Trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về trà hoa vàng, đã bào chế thành công nhiều sản phẩm dùng để phòng và chữa bệnh có nguồn gốc từ trà hoa vàng, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong lá, hoa của trà có nhiều thành phần như flavonoid, saponin, polyphenol, acid amin, các nguyên tố vi lượng...mang lại lợi ích to lớn về sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trà có tác dụng hạ huyết áp, giảm đường huyết, hạ cholesterol, hạ mỡ máu, chống u bướu, tăng cường hệ miễn dịch và kéo dài tuổi thọ.

   Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu về đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và tác dụng, công dụng của một số loài trà hoa vàng mọc ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Ba Chẽ (Quảng Ninh). Tại vườn Quốc gia Cúc Phương, chúng tôi đã gặp một loài trà hoa vàng thuộc chi Camellia L. (tên địa phương là trà hoa vàng Cúc Phương). Loài này mọc trong vườn Quốc gia Cúc Phương và được người dân ở đây trồng và sử dụng, người dân ở đây dùng loài trà hoa vàng này hãm với nước thay nước uống hàng ngày, theo chia sẻ kinh nghiệm sử dụng của người dân nơi đây sử dụng nước sắc lá trà hoa vàng còn có các tác dụng như: Hạ mỡ máu, hạ huyết áp, phòng chống tai biến, phòng ngừa ung thư, hưng phấn thần kinh, lợi tiểu, giải độc gan và thận, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng cường sức đề kháng, chống viêm, chống dị ứng. Qua tra cứu các tài liệu trên thế giới và tài liệu Việt Nam, nhận thấy loài này mang những đặc điểm phù hợp với loài Camellia cucphuongensis Ninh & Rosmann, tuy nhiên thường bị nhầm lẫn với loài Camellia flava (Pit.) Sealy. Hơn nữa, những tài liệu nghiên cứu mô tả loài Camellia cucphuongensis Ninh & Rosmann ở Việt Nam vẫn chưa thật đầy đủ và chi tiết, mới chỉ có các hình vẽ và mô tả sơ sài. Vì vậy, bài báo được thực hiện với mục đích nhằm giám định tên khoa học, làm cơ sở cho việc nghiên cứu phát triển và xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm dược liệu sau này.

       Nguyên liệu nghiên cứu

       Trà hoa vàng Cúc Phương có đủ hoa, quả được thu hái tại Vườn Quốc gia Cúc Phương vào tháng 3 năm 2018. Phân tích và chụp ảnh cây, hoa, quả bằng máy ảnh kỹ thuật số Nikon D300s, raynox 250. Kính hiển vi Leica DM500.

       Phương pháp nghiên cứu

            + Nghiên cứu đặc điểm hình thái của mẫu nghiên cứu tại thực địa và trong phòng thí nghiệm theo phương pháp trong tài liệu.

       + Giám định tên khoa học của cây trên cơ sở phân tích các đặc điểm hình thái, đặc điểm của bộ phận sinh sản, so sánh đối chiếu với mô tả và hình ảnh trong tài liệu, đối chiếu với khóa phân loại thực vật trong tài liệu [12].

            + Nghiên cứu đặc điểm hiển vi: Làm vi phẫu lá, thân của cây theo phương pháp cắt ngang, nhuộm kép

       Kết quả

            Căn cứ vào đặc điểm hình thái, cơ quan dinh dưỡng và cơ quan sinh sản của loài nghiên cứu, có thể giám định loài trà hoa vàng thu hái ở vườn Quốc gia Cúc Phương có tên khoa học là Camellia cucphuongensis Ninh & Rosmann, thuộc chi Camellia L., họ Chè (Theaceae). Đây là lần đầu tiên các đặc điểm hình thái cấu tạo giải phẫu của loài Camellia cucphuongensis Ninh & Rosmann được mô tả đầy đủ ở Việt Nam. Hiện chưa có nghiên cứu về loài trà hoa vàng Cúc Phương này, do vậy cần nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, giá trị sử dụng cũng như khả năng nhân trồng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-05-06
Chuyên mục
BÀI BÁO