Ba hợp chất flavonoid glycosid phân lập từ cao chiết nước của cây thủy bồn thảo (Sedum sarmentosum Bunge) thu hái tại Sa Pa

  • Đoàn Xuân Đinh
  • Nguyễn Minh Dũng
  • Nguyễn Thượng Dong
  • Phạm Thị Nguyệt Hằng
  • Lê Cảnh Việt Cường
  • Lê Thị Liên
  • Nguyễn Phúc Khánh Nhi
  • Hoàng Lê Tuấn Anh

Tóm tắt

Cây thủy bồn thảo (Sedum sarmentosum Bunge) còn gọi là tường thảo trườn, thuộc họ Thuốc bỏng (Crassulaceae), là cây thân thảo nhẵn, được trồng ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam. Cây thủy bồn thảo được sử dụng trong y học dân gian để chữa các bệnh như bỏng lửa, viêm gan cấp và mạn tính, lỵ, rắn cắn, ghẻ lở, mụn nhọt, viêm họng... Thành phần hóa học chính của thủy bồn thảo là các hợp chất megastigman và flavonoid. Ngoài ra, còn có các hợp alkaloid và terpenoid. Thủy bồn thảo là dược liệu quý, được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Các nghiên cứu về hoạt tính sinh học cho thấy, dịch chiết và các hợp chất phân lập được từ cây thủy bồn thảo có tác dụng gây độc tế bào ung thư, bảo vệ gan, ức chế miễn dịch, chống xơ hóa thận, chống oxy hóa. Tuy nhiên, theo tra cứu hiện chưa có công trình nào công bố về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây thủy bồn thảo ở Việt Nam. Bài báo này thông báo kết quả phân lập và xác định cấu trúc ba hợp chất flavonoid glycosid từ cao chiết nước của cây thủy bồn thảo thu tại Sapa, Lào Cai.

Nguyên liệu

Mẫu dược liệu thủy bồn thảo được thu tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai vào tháng 6 năm 2015, được giám định tên khoa học là Sedum sarmentosum Bunge.

Phương pháp nghiên cứu

- Chiết xuất và phân lập: Ngâm chiết trong methanol. Phân tách bằng sắc ký cột.

- xác định cấu trúc các hợp chất: Bằng phổ 1H-NMR và 13C-NMR.

Kết quả

Từ cao chiết nước cây thủy bồn thảo (Sedum sarmentosum Bunge) thu hái ở Sa Pa (Lào Cai), đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 3 flavon glycosid bao gồm: isorhamnetin-3,7-O-di-β-glucosid (1), 3'-methoxy-3,5,4'-trihydroxyflavon-7-neohesperidosid (2) và quercetin-3-O-β-glucopyranosid (3). Đây là lần đầu tiên hợp chất 2 được phân lập từ chi Sedum. Các nghiên cứu về hoạt tính sinh học cho thấy các hợp chất 1-3 có các hoạt tính sinh học đáng quan tâm như bảo vệ gan, chống oxy hóa, kháng viêm... Sự có mặt của các hợp chất này trong thành phần hóa học của thủy bồn thảo đã góp phần giải thích cho công dụng của loài dược liệu này trong y học dân gian.    
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-12-27
Chuyên mục
BÀI BÁO