Thành phần triterpen phân lập từ bộ phận thân và lá của cây đan sâm trồng ở Việt Nam

  • Lê Quốc Hùng
  • Vũ Đức Lợi
  • Nguyễn Thị Thanh Bình
  • Hà Vân Oanh
  • Phương Thiện Thương
  • Nguyễn Thanh Hải
  • Nguyễn Hữu Tùng

Tóm tắt

Rễ đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge) được sử dụng để phòng và điều trị các bệnh tim mạch như đau tức ngực và huyết khối trong y học cổ truyền. Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chứng minh đan sâm còn có tác dụng điều trị ung thư và HIV. Trong Chương trình nghiên cứu dược liệu Tây Bắc tập trung vào thành phần hoạt chất của đan sâm, bên cạnh thành phần chính là tanshinon và acid phenolic, đã xác định được một số chất triterpen chưa được công bố từ đan sâm. Tiếp tục nghiên cứu về thành phần hoạt chất của cây đan sâm ở Tây Bắc, chúng tôi tiến hành nghiên cứu thành phần hóa học của bộ phận trên mặt đất (thân và lá) và kết quả bước đầu xác định được 3 hợp chất triterpen khung ursan bao gồm acid ursolic (1), acid 2β-hydroxypomolic (2) và acid asiatic (3). Bài báo này trình bày về phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 3 hợp chất triterpen lần đầu xác định được từ bộ phận thân và lá của đan sâm trồng ở Lào Cai, Việt Nam.

Nguyên liệu

Mẫu thân và lá được thu hái ở Sapa, Lào Cai vào tháng 09-2016 và được giám định thực vật học.

Phương pháp nghiên cứu

Tiến hành chiết xuất bằng dung môi ethanol 95% với thiết bị chiết siêu âm. Sử dụng sắc ký cột để phân lập các chất. Ba hợp chất phân lập được được xác định cấu trúc hóa học trên cơ sở các phương pháp hóa lý bao gồm phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân NMR và phổ khối MS.

Kết quả

Bằng các phương pháp sắc ký kết hợp với các phương pháp phân tích phổ hiện đại, đã phân lập xác định cấu trúc phân tử của 3 hợp chất triterpen khung ursan là acid ursolic (1), acid 2β-hydroxypomolic (2) và acid asiatic (3). Đây là công bố đầu tiên về thành phần triterpen có trong bộ phận thân và lá của cây đan sâm trồng ở Việt Nam. Các nghiên cứu tiếp theo đang được tiến hành để xác định thêm các thành phần hoạt chất của bộ phận trên mặt đất của cây thuốc quý đan sâm.

Kết quả này bước đầu cho thấy bộ phận trên mặt đất của đan sâm chứa nhiều hoạt chất sinh học và theo đó cung cấp cơ sở khoa học cho việc sử dụng, tận dụng bộ phận trên mặt đất của đan sâm làm dược liệu.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-12-27
Chuyên mục
BÀI BÁO