Đánh giá sử dụng thuốc trong điều trị viêm khớp dạng thấp tại Khoa Nội thận – Cơ xương khớp Bệnh viện Trung ương Huế

  • Đỗ Thị Diệu Hằng
  • Đinh Thị Minh Hảo
  • Nguyễn Hoàng Thanh Vân
  • Hoàng Thị Kim Huyền

Tóm tắt

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh lý tự miễn điển hình, diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc VKDT là 0,5% và là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh khớp được điều trị tại bệnh viện. Việc điều trị VKDT cần kết hợp nhiều nhóm thuốc như thuốc điều trị cơ bản gồm các DMARD cổ điển và DMARD sinh học, ngoài ra còn có thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau, NSAID và corticoid. Đây là các thuốc có nhiều nguy cơ gây ra các tác dụng không mong muốn.Bên cạnh đó, việc điều trị đòi hỏi bệnh nhân và thầy thuốc phải kiên trì thực hiện một cách liên tục và lâu dài. Do đó việc sử dụng thuốc hợp lý đóng vai trò quan trọng trong chiến lược điều trị. Chính vì vậy nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu đánh giá sự phù hợp về chỉ định, liều dùng, hiệu quả và tính an toàn của các thuốcđiều trị VKDT tại Khoa Nội thận - Cơ xương khớp Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế.

Đối tượng

Bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên được chẩn đoán và điều trị VKDT tại Khoa Nội thận - Cơ xương khớp BVTW Huế liên tục 6 tháng trong khoảng thời gian ngày 01/09/2015 đến ngày 01/09/2017. Loại trừ các bệnh nhân không quay lại khám hoặc quay lại khám không đúng thời gian quy định.

Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp mô tả hồi cứu.

- Đánh giá chỉ định và liều dùng các thuốc.

- Đánh giá hiệu quả điều trị.

- Xử lý số liệu: Bằng phầnmềm SPSS 22.0 và Excel 2013.

Kết quả

            Tỷ lệ phù hợp về chỉ định của các thuốc DMARD là trên 68%, về liều dùng là trên 95%. Sau 6 tháng theo dõi, hai thông số CRP và Hb cải thiện có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Phần lớn bệnh nhân có men gan và creatinin bình thường. Các trường hợp tăng AST hay ALT thường thoáng qua và đều ở mức độ nhẹ. Trong nghiên cứu có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân giảm bạch cầu và bạch cầu trung tính chủ yếu độ 1 và độ 2, không ghi nhận có trường hợp nào nhiễm trùng nặng hoặc sốt do giảm bạch cầu trung tính.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-08-03
Chuyên mục
BÀI BÁO